Giảm tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào ban đêm có thể làm chậm sự phát triển của bệnh tiểu đường

Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí uy tín The Lancet Regional Health, đã phát hiện ra một cách đơn giản có thể giúp hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Theo đó, tránh ánh sáng mạnh vào ban đêm có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh tiểu đường loại 2, theo chuyên trang khoa học Scitech Daily.

Nhằm tìm hiểu xem liệu các kiểu tiếp xúc với ánh sáng cá nhân có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay không, các nhà khoa học từ Đại học Flinders (Úc) đã sử dụng dữ liệu y tế của khoảng 85.000 người từ Ngân hàng sinh học Anh UK Biabank và khoảng 13 triệu giờ dữ liệu cảm biến ánh sáng.

Những người tham gia không mắc bệnh tiểu đường khi bắt đầu nghiên cứu, được đeo thiết bị theo dõi mức độ tiếp xúc với ánh sáng trong suốt cả ngày và đêm. Sau đó, họ được theo dõi trong 9 năm tiếp theo để quan sát xem họ có tiếp tục mắc bệnh tiểu đường loại 2 hay không.

“Kết quả cho thấy tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào ban đêm, nhất là từ 00 giờ 30 đến 6 giờ, có thể phá vỡ nhịp sinh học, dẫn đến những thay đổi trong quá trình tiết insulin và chuyển hóa glucose, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Và tiếp xúc với ánh sáng càng mạnh thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng cao”, tác giả chính, Phó giáo sư Andrew Phillips từ Trường Y khoa và Y tế công cộng thuộc Đại học Flinders (Úc), cho biết. 

Phó giáo sư Andrew Phillips lưu ý, kết quả cho thấy giảm tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm và duy trì môi trường tối có thể là cách dễ dàng và rẻ tiền để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh tiểu đường.

Phó giáo sư Andrew Phillips cho biết thêm: “Những thay đổi trong việc tiết insulin và chuyển hóa glucose do nhịp sinh học bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu, cuối cùng có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2”.

Cần tránh tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào ban đêm. Ảnh minh họa

Bệnh tiểu đường loại 2 là một tình trạng mãn tính, xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng insulin không tốt. Béo phì, chế độ ăn uống kém và không hoạt động là những yếu tố nguy cơ chính.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, hơn 38 triệu người Mỹ mắc bệnh tiểu đường (khoảng 1 trên 10) – và khoảng 90% đến 95% trong số họ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Con số này được dự đoán sẽ tăng vọt trong những năm tới.

Theo báo cáo từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tại Việt Nam hiện nay tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.

Hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, trong đó, hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Lý giải về sự gia tăng này, bác sĩ Nguyễn Đăng Quân – Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho rằng, nhiều người có thói quen lối sống chưa lành mạnh như bỏ bữa sáng, ăn quá nhiều chất béo và thực phẩm giàu năng lượng, đường tinh bột. Kết hợp với lối sống ít vận động, tỉ lệ người béo phì ngày càng tăng. Thừa cân gây dư thừa lượng đường trong máu lâu ngày dẫn đến mắc tiểu đường.

Bác sĩ Quân nhấn mạnh, bệnh đái tháo đường là tình trạng mãn tính nên người bệnh không thể hoàn toàn đẩy lùi hoặc chữa trị bằng cách đơn giản. Tuy nhiên có một số biện pháp quản lý bệnh, kiểm soát tình trạng bệnh.

Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống như hạn chế đường tinh bột, thực phẩm đường huyết cao; ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ như rau quả tươi. Tập thể dục đều đặn 30 phút/ngày để làm chậm biến chứng. Người bệnh cũng phải thường xuyên kiểm tra đường huyết theo chỉ định. Và một việc vô cùng quan trọng là kiểm soát căng thẳng. Hãy nhớ rằng quản lý đái tháo đường là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 22:2016/BYT về chiếu sáng- mức cho phép chiếu sáng nơi làm việc

Quy chuẩn này do Bộ Y tế bán hành quy định mức cho phép chiếu sáng nơi làm việc trong nhà. Quy chuẩn này áp dụng thay thế cho Tiêu chuẩn chiếu sáng trong Tiêu chuẩn vệ sinh lao động ban hành theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 10/10/2002.

Theo đó quy chuẩn này quy định độ rọi duy trì tối thiểu với các loại hình công việc cụ thể: Yêu cầu về độ rọi khu vực tiền sảnh là 100 Lux (độ sáng); phòng đợi là 200; khu vực hành lang là 100; cầu thang là 150; căng tin 150, phòng nghỉ 100; phòng tập thể dục 300; phòng tắm 200…

Quy định về quản lý, cơ sở có người lao động chịu ảnh hưởng của điều kiện chiếu sáng nơi làm việc phải định kỳ đo đạc, đánh giá cường độ chiếu sáng tối thiểu 1 lần/năm và theo các quy định của Bộ luật lao động, Luật an toàn, vệ sinh động. Nếu chiếu sáng nơi làm việc không đạt mức cho phép, người sử dụng lao động phải thực hiện ngay các giải pháp cải thiện đảm bảo vệ sinh chiếu sáng và bảo vệ sức khỏe người lao động. Trong trường hợp các tiêu chuẩn quốc gia về chiếu sáng được viện dẫn trong quy chuẩn này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo tiêu chuẩn mới.

Vân Thảo (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích