Biến rác thành viên vi sinh, phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp sạch
Biến rác thành viên vi sinh, phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp sạch
Xử lý trên 20 tấn rác thải mỗi ngày, một doanh nghiệp tại Tiền Giang đang biến rác thành các sản phẩm hữu ích như viên vi sinh và phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp sạch và cả xăng dầu.
Công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường
Ngày 9/9, Công ty Cổ phần Nam Long Xanh (tỉnh Tiền Giang) đã tổ chức hội thảo “Nông nghiệp xanh”, đồng thời ra mắt sản phẩm viên vi sinh và phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp sạch. Đây là công nghệ đầy hứa hẹn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt và thúc đẩy nông nghiệp bền vững.
Tại hội thảo, Công ty Nam Long Xanh giới thiệu mô hình “Nhà máy xử lý rác tuần hoàn” với công nghệ xử lý hiện đại, đạt năng lực xử lý 20 tấn rác mỗi ngày. Từ lượng rác này, nhà máy thu được 6 tấn phân hữu cơ và 200 lít chất lỏng tương tự như xăng dầu, dùng cho các động cơ đốt trong. Đặc biệt, xỉ từ quá trình đốt rác có thể được tận dụng làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung.
Công nghệ xử lý rác thải của Nam Long Xanh được phát triển dựa trên đặc thù của rác sinh hoạt chưa phân loại ở Việt Nam, sử dụng phương pháp đốt yếm khí và Reackin. Điểm nổi bật của công nghệ này là không xả khói, không phát sinh nước thải và không chôn lấp rác, góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả.
Không chỉ thế, công nghệ của Nam Long Xanh còn có khả năng tái chế các loại phế phẩm từ rác thải, đồng thời tạo ra các sản phẩm phân hữu cơ và phân bón lá, phù hợp cho nông nghiệp hữu cơ. . Với công nghệ mới này chi phí xử lý rác thải tương đối thấp do tận dụng được nhiệt năng từ quá trình đốt yếm khí và Reackin chuyển hóa thành xăng dầu.
Giải pháp xử lý rác thải của Nam Long Xanh được đánh giá có nhiều triển vọng, hạn chế được các khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giảm thiểu mùi hôi, ruồi nhặng.
Tâm huyết vì môi trường và cộng đồng
Công ty Nam Long Xanh, dưới sự dẫn dắt của Giám đốc Võ Hoài Phong, đã không ngừng nỗ lực phát triển công nghệ xử lý rác thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trên hành trình này, ông Phong cùng vợ – bà Lương Thị Thu Thảo, đã kiên trì sống và làm việc ngay trên bãi rác tại ấp Hòa Phú, xã Long Bình, nơi trước đây từng là điểm nóng ô nhiễm.
Khi được các cấp chính quyền cho phép đặt nhà máy tại đây, ông Phong đã cùng các công sự tiếp tục đầu tư thêm gần 30 tỷ đồng, mua sắm máy móc, trang thiết bị cần thiết để đưa nhà máy đi vào hoạt động. Đặc biệt, ông còn nghiên cứu thành công loại chế phẩm sinh học để xử lý mùi hôi tại khu bãi rác rộng hơn 3.000 mét vuông.
Sự hiện diện của nhà máy xử lý rác Nam Long Xanh đang mang đến niềm vui cho người dân nơi đây. Ông Đỗ Hoàng Dũng, Phó trưởng ấp Hòa Phú, xã Long Bình phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, bãi rác tại ấp Hòa Phú, xã Long Bình rất ô nhiễm, nhất là không khí, bà con nơi đây có cuộc sống không yên ổn. Nhưng từ khi anh Phong đến đây lập xưởng, xử lý thuốc không còn mùi hôi, không còn ruồi, bà con chúng tôi rất vui mừng. Anh đã sản xuất ra phân viên, thuốc sinh học tặng cho tụi tôi xịt cho hoa màu hiệu quả rất cao. Anh cũng cùng chúng tôi mời nông dân làm ruộng đến dự hội thảo để giới thiệu sản phẩm, bà con sử dụng rất tốt, mô hình này quá hay, quá đẹp”.
Hiện tại, nhà máy của Nam Long Xanh đã hoàn thiện quy trình xử lý rác thải khép kín, mỗi ngày xử lý trên 20 tấn rác, thu về 6 tấn phân hữu cơ và sản xuất 200 lít xăng dầu. Sản phẩm phân hữu cơ của công ty đã được kiểm nghiệm đạt chuẩn, giúp cải tạo đất bạc màu và đất nhiễm mặn, mang lại lợi ích lớn cho nông nghiệp sạch.
Hiện tại, mẫu phân hữu cơ của Công ty Nam Long Xanh được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Bộ Khoa học- công nghệ tại TP.HCM) và Viện kiểm nghiệm và Kiểm định chất lượng VNTEST (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) kiểm nghiệm cho thấy, đa số các chỉ số đều nằm trong quy chuẩn cho phép.
Chia sẻ về tầm nhìn trong tương lai, ông Võ Hoài Phong cho biết, công ty sẽ mở rộng thêm nhiều nhà máy xử lý rác thải tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao phục vụ nông nghiệp bền vững.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị