Nỗ lực khắc phục, sớm ổn định đời sống nhân dân Thủ đô sau bão

Nhằm đảm bảo công tác xử lý cây xanh gãy đổ, các đơn vị đã huy động 100% lực lượng, phương tiện ứng phó, sẵn sàng giải tỏa cây gẫy đổ do bão số 3 với khoảng 573 người; 80 xe máy các loại; 100 cưa máy; 100 cưa tay.

Thống kê sơ bộ, bão số 3 làm trên 1.894 cây đổ, bật gốc, trên 634 cành gãy, cây gãy ngang thân trên địa bàn Thành phố quản lý. Các đơn vị duy trì cây xanh đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện ra hiện trường để thực hiện giải tỏa, thu dọn đảm bảo giao thông được trên 570 cây đổ, giải tỏa khoảng 500 cành gãy.

Với toàn bộ 16.400 cây gãy đổ thuộc các địa phương quản lý, cán bộ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh cũng hỗ trợ giải tỏa với các cây có đường kính to, khu vực đổ có địa hình phức tạp.

Nỗ lực khắc phục, sớm ổn định đời sống nhân dân Thủ đô sau bão
Công nhân Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội giải tỏa cây xanh gãy đổ vào trạm biến thế tại ngã tư Hàng Cháo – Nguyễn Thái Học, quận Đống Đa.

“Tranh thủ sáng 8/9 thời tiết thuận lợi, đơn vị đã huy động 100% quân số ứng trực giải quyết các trường hợp cây to gãy đổ. Cho đến chiều nay, đã cơ bản xử lý được 75-80% các sự cố cây gãy đổ chắn ngang đường”, ông Vũ Đức Thọ – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh, cho biết.

Ghi nhận của phóng viên trong ngày 8/9, các đơn vị đã và đang tiếp tục giải tỏa các trường hợp còn lại theo nguyên tắc ưu tiên theo thứ tự giải quyết giải tỏa phục vụ đảm bảo giao thông, các tuyến đường trọng điểm, trục chính, nơi có các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện…

Đối với các cây cổ thụ cần bảo tồn, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, cần kiểm tra, rà soát, đánh giá có thể chống dựng tại chỗ thì triển khai thực hiện. Trường hợp không thể chống dựng, thì chuyển về vườn ươm của đơn vị để chăm sóc và trồng vào vị trí phù hợp trên địa bàn Thành phố.

Các đơn vị duy trì cây xanh sẽ tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để triển khai giải tỏa cây đổ, cành gãy cùng với sự hỗ trợ của UBND quận, huyện, các đơn vị chức năng, các đơn vị duy trì cây xanh, thoát nước, chiếu sáng. Dự kiến trong vòng 24 giờ sẽ hoàn thành công tác giải tỏa trước mắt để đảm bảo giao thông trên các tuyến đường, tuyến phố chính Công ty được giao quản lý.

Nỗ lực khắc phục, sớm ổn định đời sống nhân dân Thủ đô sau bão
Công nhân Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị khắc phục sự cố cây xanh đổ và trụ đèn chiếu sáng trên phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm.

Về công tác ứng trực, khắc phục hệ thống chiếu sáng công cộng, các đơn vị huy động 100% lực lượng, phương tiện ứng phó, sẵn sàng xử lý các sự cố về điện do bão số 3 với khoản 200 người và khoảng 50 phương tiện các loại. Đến nay, bão số 3 gây ra trên 776 sự vụ gây ảnh hưởng đến hệ thống chiếu sáng công cộng như: Chạm chập, mất pha, nhẩy ATM, gãy cột thép, vỡ hỏng đèn…

Các sự vụ trên đã và đang được xử lý, giải tỏa kịp thời (đến 15h40 ngày 8/9 đã xử lý xong 208/776 sự vụ), đơn vị vẫn đang tiếp tục khắc phục trong thời gian sớm nhất, đảm bảo công tác chiếu sáng đô thị. Trong số vụ hư hỏng nêu trên không ảnh hưởng đến công tác cấp điện hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Dự kiến khắc phục xong trong ngày 8/9.

Do ảnh hưởng của bão số 3, khu vực Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn bị mất điện từ 14h ngày 7/9 nên gián đoạn, giảm công suất các Nhà máy nước, trong đó Nhà máy nước mặt sông Đuống sử dụng máy phát điện dự phòng… các đơn vị cấp nước triển khai phương án cấp nước luân phiên để duy trì ổn định cấp nước. Một số sự cố với hệ thống mạng cấp nước được các đơn vị triển khai xử lý kịp thời.

Nỗ lực khắc phục, sớm ổn định đời sống nhân dân Thủ đô sau bão
Các đơn vị chức năng của Thành phố đang nỗ lực xử lý sự cố sau bão số 3.

Về công tác bảo đảm an toàn công trình nhà ở, công trình xây dựng, Sở Xây dựng đã chỉ đạo UBND các quận huyện triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng, các khu chung cư cũ và nhà riêng lẻ có nguy cơ sập đổ trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê tổng hợp báo cáo của các quận, huyện, trên địa bàn thành phố có khoảng 737 công trình xây dựng và khoảng 7.797 nhà ở riêng lẻ được chỉ đạo kiểm tra, rà soát triển khai phương án ứng phó cơn bão số 3. Đối với các công trình xây dựng có cần cẩu tháp, theo thống kê hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 187 cần trục tháp.

Đến nay các công trình đã dừng thi công và thực hiện các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn (hạ độ cao cần trục tháp, gia cố giằng vào thân cần trục tháp…); tuân thủ quy trình hướng dẫn an toàn cần trục tháp của nhà sản xuất khi xảy ra mưa bão và các quy định về an toàn trong thi công xây dựng.

Về việc di dời người dân ra khỏi nhà nguy hiểm, tối 6/9 phường Tân Mai di dời 48 hộ dân với 160 người ra khỏi Tập thể A7 Tân Mai (nhà nguy hiểm) về Trường Tiểu học Tân Mai; di dời 25 hộ dân (75 nhân khẩu) tại Tập thể 3 tầng khu nhà liên cơ, phường Hoàng Liệt đến Nhà văn hóa liên cơ và khách sạn An Vinh (Pháp Vân, xã Tứ Hiệp); di dời 3 hộ (11 nhân khẩu) tại tòa nhà G6A Thành Công (tòa nhà trong diện xây dựng lại, các hộ dân đã di dời, còn lại 3 hộ kiên quyết không di dời) đến Nhà văn hóa phường và Trường Mầm non Họa Mi;

Nỗ lực khắc phục, sớm ổn định đời sống nhân dân Thủ đô sau bão
Sau khi cây xanh bị gãy đổ được xử lý, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội sẽ tiến hành thu dọn, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Di dời 176 người dân đang thuê trọ tại khu trọ cũ, nhà tạm nhà không kiên cố đến nhà văn hóa các phường, nhà họ hàng người quen trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm; di dời 41 người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (từ Y9 khu tập thể Trường Đại học Kinh tế quốc dân về Trường Đại học Xây dựng); phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm vận động di dời 674 người (607 người sơ tán về nhà người quen, họ hàng và 67 người sơ tán vào trường học).

Các pano, biển quảng cáo bị hư hại do bão đã được các địa phương xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn. Các công trình nhà do công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và Trung tâm quản lý nhà Thành phố quản lý đến nay không có sự cố nào xảy ra.

Tuấn Dũng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích