Hà Nội chủ động đáp ứng y tế, giám sát dịch bệnh sau bão số 3

Hà Nội chủ động đáp ứng y tế, giám sát dịch bệnh sau bão số 3

Sở Y tế Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân về công tác phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa bão, nhất là người dân sinh sống trong vùng ngập lụt có nguy cơ bùng phát các bệnh dịch.

Ngành Y tế Thủ đô đã lên phương án về nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư, sẵn sàng ứng các tình huống có thể xảy ra.

tm-img-alt
Ảnh minh họa (Nguồn: IT)

Huy động gần 200 đội cơ động cấp cứu, chống dịch

Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau mưa bão, lũ lụt, có rất nhiều vi sinh vật, rác, chất thải… trôi theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Ngập lụt chính là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút và vật trung gian truyền bệnh sinh sôi. Những dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, viêm đường hô hấp, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, cảm cúm..

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo, người dân ở những vùng bị ảnh hưởng bởi mưa bão rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa do nguồn nước, thực phẩm, điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Bên cạnh đó, nước ăn chân hoặc các bệnh lý da liễu khác, cảm lạnh, cúm, đau mắt cũng là những vấn đề thường gặp.

Đồng thời, môi trường ẩm ướt, nước tù đọng ở các vật dụng như lốp xe, vỏ chai lọ, chậu cây, chum vại… cũng là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản. Bệnh sốt xuất huyết rất dễ lây lan và bùng phát. Mùa mưa bão hằng năm cũng là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở nhiều nơi…

Cùng với các bệnh truyền nhiễm, mưa bão cũng kéo theo nguy cơ gia tăng tai nạn thương tích như: Đuối nước, điện giật, cây đổ, tường đổ và các tổn thương khác do rắn, rết cắn…

Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, ngành Y tế thành phố đã kiện toàn các đội cấp cứu cơ động với đầy đủ thuốc và trang thiết bị, sẵn sàng đáp ứng các tình huống có thể xảy ra.

Tuyến thành phố có 5 đội phòng, chống dịch cơ động tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, 5 đội điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội. Ngoài ra, 30 Trung tâm Y tế đã kiện toàn 92 đội phòng, chống dịch cơ động và 80 đội cấp cứu cơ động.

Tăng cường khử khuẩn, vệ sinh môi trường

Để ứng phó với bão số 3, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra tại các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn các huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Trì và Thường Tín. Ông Nguyễn Đình Hưng đánh giá, các đơn vị đã bảo đảm nhân lực ứng trực 24/24h, trang thiết bị, vật tư hóa chất, cơ số thuốc đáp ứng cho công tác khám, chữa bệnh và sẵn sàng cho công tác đáp ứng y tế, phòng, chống dịch bệnh.

Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị tiến hành điều tra, nắm số điểm có nguy cơ ngập lụt để xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chuẩn bị cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp sau mưa lũ và các hóa chất (Cloramin B, phèn chua…) để xử lý nguồn nước, môi trường.

Đồng thời, cơ quan chức năng hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút.

“Ngành Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, đồng thời yêu cầu các đơn vị triển khai kế hoạch vệ sinh môi trường. Cụ thể, nước rút đến đâu, khơi thông dòng chảy, tổng vệ sinh môi trường đến đấy với mục tiêu không để dịch bệnh lây lan và bùng phát”, ông Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh.

9 trạm y tế tốc, hỏng mái tôn

Theo báo cáo ngày 8-9 của Sở Y tế Hà Nội về công tác đáp ứng y tế ứng phó với cơn bão số 3, các cơ sở khám, chữa bệnh đã bảo đảm tốt hoạt động. Cụ thể, tiếp nhận tổng số khám cấp cứu, tai nạn là 929 người, bao gồm 54 người khám tai nạn giao thông, 10 người tai nạn lao động, 92 người tai nạn sinh hoạt và 742 người khám cấp cứu, tai nạn do nguyên nhân khác. Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đáp ứng 112/112 lượt yêu cầu cấp cứu, phục vụ 83 bệnh nhân cấp cứu, vận chuyển 15 bệnh nhân tới viện.

Về thiệt hại do bão số 3 gây ra, 1 bệnh viện và 20 trạm y tế có cây đổ; 9 trạm y tế bị bay, tốc, hỏng mái tôn…

An Khải (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích