Nhật Bản hoãn phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo do thời tiết xấu
Nhật Bản hoãn phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo do thời tiết xấu
Vụ phóng tên lửa H2A lần thứ 49, mang theo vệ tinh do thám lên quỹ đạo của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) sẽ bị hoãn lại do thời tiết xấu.
Theo thông báo của Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi, vụ phóng lần thứ 49 đối với tên lửa H2A từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, ở tỉnh Kagoshima, dự kiến diễn ra vào ngày 11/09 tới sẽ phải hoãn lại do thời tiết xấu. Thời điểm cụ thể để tiến hành vụ phóng tiếp theo hiện vẫn chưa được xác định, nhưng có thể sẽ được thực hiện từ ngày 12 đến 31/10 tới.
H2A là tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, được Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản và nhà sản xuất chính là Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi đưa lên quỹ đạo kể từ năm 2001, và có tỷ lệ phóng thành công là 97,8%. Trong lần phóng gần nhất diễn ra vào ngày 13/01, tên lửa H2A mang theo vệ tinh Kogaku-8, thuộc sở hữu của Chính phủ Nhật Bản và được sử dụng để thu thập thông tin.
Vệ tinh này thực hiện các nhiệm vụ như giám sát bề mặt Trái đất từ không gian và thu thập dữ liệu về quân sự, đồng thời phục vụ mục đích thu thập thông tin trong trường hợp thiên tai. Để phát triển vệ tinh này, Nhật Bản đã chi khoảng 40 tỷ yên (tương đương 275 triệu USD).
Hiện nay, Nhật Bản có kế hoạch ngừng sử dụng H-2A sau hai lần phóng nữa. H2A và H2B sẽ được thay thế bằng tên lửa H3 thế hệ tiếp theo. Nhật Bản đặt mục tiêu phát triển H3 để sử dụng không chỉ cho mục đích phóng vệ tinh và tàu thăm dò mà còn để tham gia các nhiệm vụ đưa hàng hóa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Ước tính chi phí chế tạo 1 tên lửa H3 là 5 tỷ yên (37 triệu USD), chỉ bằng 1 nửa so với chi phí chế tạo H2A, nhưng lại có năng lực phóng vệ tinh cao hơn 1,3 lần.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị