Hưng Yên phát hiện kho chứa 230 chiếc xe đạp điện không ghi nhãn hàng hóa
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên, trước thềm năm học mới, nhu cầu mua sắm các phương tiện giao thông, đặc biệt là các loại xe máy điện, xe đạp điện cho các cháu học sinh, sinh viên đến trường tăng mạnh. Để phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để sản xuất, lắp ráp, đưa ra thị trường các loại xe máy điện, xe đạp điện có chất lượng đảm bảo, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, vẫn còn có những cá nhân vì lợi nhuận đã bất chấp các quy định của pháp luật để buôn bán, đưa ra thị trường các loại xe đạp điện không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm định chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể, mới đây Đội QLTT số 5 phối hợp với Đội 3, Phòng PC03- Công an tỉnh Hưng yên tiến hành khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính đối với kho hàng hóa do ông L.H.B làm chủ tại xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện trong kho hàng hóa cất giữ tổng số 230 chiếc xe đạp điện các loại, toàn bộ số xe đạp điện không có ắc quy, chưa lắp bàn đạp, không ghi nhãn hàng hóa theo quy định.
Hưng Yên phát hiện một kho hàng cất giữ xe đạp điện không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Cục QLTT Hưng Yên
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông L.H.B không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hoặc tài liệu kèm theo để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa để trong kho. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Kết quả xác minh xác định 230 chiếc xe đạp điện nói trên là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ được ông L.H.B mua trôi nổi trên thị trường với mục đích vận chuyển đi các tỉnh phía Nam để tiêu thụ kiếm lời. Đội QLTT số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông L.H.B về các hành vi: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định. Cục QLTT tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 52.500.000 đồng, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu 230 chiếc xe đạp điện vi phạm.
Liên quan tới nhãn hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Theo quy định tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP), trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa được quy định: Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa. Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình. Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định.
An Dương