Người dân vùng ngập lụt cần làm gì khi nước rút?

Người dân vùng ngập lụt cần làm gì khi nước rút?

Mưa bắt đầu giảm ở miền Bắc và một số địa phương nước đang trên đà rút. Lũ lụt qua đi là khi dịch bệnh sẽ sinh sôi do đó cần chú ý nhiều điều để an toàn cho sức khỏe.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ sáng 12/9, mưa ở nhiều khu vực miền Bắc nước ta đã giảm và sẽ
tiếp tục giảm nhanh từ nay đến cuối tuần. Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng đã chững lại và được dự báo sẽ giảm nhanh.

Ở một số địa phương, người dân đang dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại đồ đạc để mau chóng ổn định lại cuộc
sống sau thiên tai.

Ngập trên phố Phúc Tân, phường Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội

Người dân vùng ngập lụt nên làm gì sau khi nước rút?

Để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tài sản của nhân dân sau
thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai khuyến cáo người dân
nên thực hiện các hướng dẫn sau:

1. Chỉ được di chuyển từ nơi sơ tán trở về nhà khi có lệnh
của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, cứu hộ cứu nạn.

2. Kiểm tra lại nhà ở, các thiết bị điện trước khi sử dụng
đề phòng tai nạn, điện giật.

3. Khắc phục, sửa chữa nhà cửa, hệ thống điện, cấp nước,
thông tin.

4. Tham gia cùng chính quyền dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa cơ
sở hạ tầng, dập dịch bệnh và xử lý môi trường.

5. Vệ sinh nhà cửa, vật dụng và môi trường xung quanh nơi
ở, khu vực công cộng.

6. Đảm bảo an toàn sức khỏe, phòng tránh dịch bệnh sau
lũ.

Sau lũ, người dân cần chủ động phòng tránh các bệnh truyền
nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm… bằng các biện
pháp sau:

– Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước; dùng
hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y
tế.

– Khử trùng nước sử dụng cho uống và sinh hoạt, bảo đảm
dùng nước sạch trong ăn uống.

– Làm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút.

– Ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm.

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, chú ý vệ sinh cá
nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với
nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

– Nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và
chôn xác động vật theo hướng dẫn của lực lượng chức năng (có thể dùng vôi bột).

– Phun hóa chất diệt côn trùng, tiêu diệt loăng quăng/bọ
gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa
nước lớn, loại bỏ các phế thải đựng nước, hoặc các hốc nước tự nhiên để không
cho muỗi đẻ trứng. Chú ý mắc màn khi đi ngủ.

– Kịp thời phát hiện và dập tắt các bệnh truyền nhiễm.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế
gần nhất.

Bạn cũng có thể thích