Cần xóa bỏ quy định về hợp tác đầu tư với nước ngoài về quảng cáo
Cần xóa bỏ quy định về hợp tác đầu tư với nước ngoài về quảng cáo
Đề xuất này được Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn đưa ra tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về việc góp ý sửa đổi Luật Quảng cáo vào chiều 10/9 vừa qua.
Theo nhà báo Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, để tạo môi trường phát triển lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành quảng cáo, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nên bãi bỏ khoản 1 Điều 40 liên quan đến “Hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong hoạt động quảng cáo”.
Luật Quảng cáo được Quốc hội thông qua năm 2012 đã đánh dấu bước phát triển quan trọng đối với việc hoàn thiện chính sách pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam. Qua thời gian, Luật Quảng cáo đã có những đóng góp quan trọng, đưa hoạt động quảng cáo ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực vào việc phát triển đời sống kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.
Tuy nhiên, những quy định này sau 10 năm triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành quảng cáo nói riêng và của nền kinh tế cả nước nói chung. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo 2012 là yêu cầu cấp bách, vừa sát với với tình hình thực tế, vừa đáp ứng nguyện vọng của các doanh nghiệp quảng cáo.
Liên quan đến việc góp ý sửa đổi Luật Quảng cáo, nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề xuất bãi bỏ khoản 1 Điều 40 liên quan đến “Hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong hoạt động quảng cáo”. Đề xuất này được Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đưa ra tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo và góp ý sửa đổi Luật Quảng cáo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức vào ngày 10/9 vừa qua.
Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau hơn 10 năm áp dụng, quy định này không còn bảo vệ được các doanh nghiệp quảng cáo trong nước và không còn phù hợp với thực tiễn. Hiện Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ký kết Hiệp định EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những hiệp định này đã mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Bởi theo các quy định này, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài được quyền kinh doanh dịch vụ quảng cáo mà không bắt buộc phải liên quanh hay góp vốn với các tổ chức, cá nhân khác.
Vì vậy, nếu Luật Quảng cáo tiếp tục duy trì quy định này sẽ làm ảnh hưởng và cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này mâu thuẫn với cam kết của Việt Nam trong các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết nhằm thúc đẩy sự tự do hóa đầu tư và kinh doanh.
Cũng theo Nhà báo Nguyễn Trường Sơn, quy định này không chỉ gây ra rào cản đối với doanh nghiệp nước ngoài mà còn làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tạo ra gánh nặng không cần thiết cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài. Chưa kể đến, quy định này cũng có thể dẫn đến tình trạng “đầu tư mượn danh”, nơi các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng hình thức liên doanh để tránh các hạn chế của pháp luật. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước mà còn tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp trong ngành quảng cáo.
Thực tế, việc bãi bỏ quy định này sẽ giúp đơn giản hóa quy trình đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn tham gia vào thị trường quảng cáo tại Việt Nam. Điều này không chỉ thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh mà còn khuyến khích đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, góp phần vào sự phát triển của ngành quảng cáo trong nước.
Liên quan đến kiến nghị của Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, ông Triệu Thế Hùng, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục bày ghi nhận, đánh giá cao ý kiến đóng góp của đại biểu Nguyễn Trường Sơn. Theo đó, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra sẽ cố gắng tiếp thu đầy đủ nhất; đồng thời bày tỏ mong muốn, các hội viên và các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo tiếp tục có những góp ý thiết thực đối với dự án Luật này trong thời gian tới, nhằm một mục tiêu tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp Quốc hội tháng 9 này.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị