Đà Nẵng truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh đến từng mâm cơm

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm đến với người tiêu dùng. Ảnh: baodanang.vn

Lợi ích của truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Trong thời gian qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương nhằm triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Theo ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, mục tiêu chính của hệ thống truy xuất này là tăng trách nhiệm của các bên liên quan, đồng thời tạo ra một cộng đồng mua sắm thông minh và có trách nhiệm. Cả sự cam kết từ doanh nghiệp và sự ủng hộ của người tiêu dùng đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình này.

Về phía bà Ngô Thị Kim Thương – Tổ phó Tổ quản lý vận hành truy xuất nguồn gốc cho biết, việc áp dụng hệ thống này mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đầu tiên, nó bảo vệ và nâng cao uy tín thương hiệu, từ đó giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh và thu hút người mua hàng. Với những sản phẩm như thịt heo, thịt bò, thịt gà và trứng – các mặt hàng tiêu thụ hàng ngày, việc minh bạch nguồn gốc xuất xứ giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng về chất lượng.

Bà Thương chia sẻ thêm: “Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần minh bạch thông tin về nguồn gốc, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điều này không chỉ bảo vệ thương hiệu mà còn tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm có dán tem QR-Code.”

Mở rộng hệ thống truy xuất tại Đà Nẵng

Hiện tại, Đà Nẵng có khoảng 50 doanh nghiệp đăng ký tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, bao gồm 21 doanh nghiệp cung ứng thịt lợn, 2 doanh nghiệp cung ứng thịt bò, 10 doanh nghiệp cung ứng thịt gà và 7 doanh nghiệp cung ứng trứng gà. Việc triển khai hệ thống này không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp lớn mà còn lan tỏa đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố.

Phòng Y tế quận Hải Châu đã cấp 1.400 mã QR-Code cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chiếm 53,8% tổng số mã của toàn thành phố. Theo bà Phạm Thị Thùy Phương – Trưởng phòng Y tế quận Hải Châu, hệ thống này giúp nâng chuẩn dịch vụ và đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó thu hút khách hàng đến với các tuyến phố ẩm thực, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng đang mở rộng ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tại các chợ an toàn thực phẩm. Dự kiến có khoảng 460 tiểu thương kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các chợ trên địa bàn sẽ tham gia vào hệ thống này, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Khó khăn trong quản lý và giải pháp số hóa

Tuy nhiên, việc quản lý thực phẩm tại Đà Nẵng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Tấn Hải cho biết, phần lớn rau quả, thủy sản và thịt tiêu thụ tại thành phố đều nhập từ ngoại tỉnh qua nhiều khâu trung gian, khiến việc giám sát và truy xuất nguồn gốc trở nên phức tạp. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thiếu điều kiện an toàn thực phẩm, cũng tạo ra nhiều thách thức trong việc kiểm soát.

Việc thanh tra, kiểm tra cũng gặp khó khăn do các cơ sở kinh doanh hoạt động ngoài giờ hành chính và thường thay đổi địa điểm. Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, với 31 nhân viên, đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan để xử lý tình trạng này. Ông Hải cho biết: “Chúng tôi đã tích cực chuyển đổi số, số hóa dữ liệu để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý.”

Đà Nẵng hiện đang xây dựng đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 37/NQ-CP ngày 30/3/2024 về đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm sẽ giúp cải thiện công tác thanh tra, xử phạt các vi phạm, đồng thời nâng cao tính răn đe, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Với những bước tiến này, Đà Nẵng đang dần xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiệu quả và bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích