Giải pháp quan trọng thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính với công cụ GRP

Trong những năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, trong đó có việc xây dựng và thực thi các thể chế, quy định nhằm phù hợp yêu cầu thực tế thông qua việc cắt giảm về thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện… Nhờ đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện đáng kể, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Dẫn chứng 10 lợi ích từ việc thực hành GRP, PGS. TS Vũ Minh Khương, Trường chính sách công Lý Quang Diệu cho biết, lợi ích thứ nhất chính là sự rõ ràng trong cơ sở chính sách, mục tiêu và khuôn khổ thể chế; thứ hai là xem xét kỹ lưỡng các chi phí, lợi ích và rủi ro liên quan đến quy định được đề xuất; thứ ba là sự tham gia của các bên liên quan; thứ tư là tính minh bạch; thứ năm là trách nhiệm giải trình và thực thi; thứ sáu là sự đơn giản; thứ bảy là đánh giá thường xuyên để đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả liên tục; thứ tám là bồi dưỡng niềm tin của cá nhân và doanh nghiệp vào Chính phủ; thứ chín là đạo đức và tính chính trực; thứ mười là thúc đẩy hội nhập toàn cầu và hợp tác pháp lý khu vực.

Cũng theo PGS. TS Vũ Minh Khương cần phát triển GRP thành “tài sản then chốt” để hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam 2045, đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Nhấn mạnh vai trò của GRP trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và quản lý xuất sắc và định vị GRP như một lợi thế cạnh tranh đặc biệt để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đóng góp đáng kể cho sự hợp tác khu vực, toàn cầu.

Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Malaysia hiện đang nổi bật là những quốc gia hàng đầu vì đã áp dụng GRP thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh.

“Các thông lệ quốc tế tốt nhất nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lãnh đạo có tầm nhìn xa, cam kết của hệ thống chính trị và tính cấp thiết cải cách trong những giai đoạn đầy thử thách là những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công GRP”, PGS. TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh.

Theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, cần cải cách quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, kể cả thủ tục nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ, bãi bỏ rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh; tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

GRP là việc áp dụng các hệ thống, quá trình, công cụ, thể chế và thủ tục mà một quốc gia có thể huy động nhằm đảm bảo rằng kết quả của các chính sách/quy định được ban hành hiệu quả, minh bạch, toàn diện và bền vững. GRP đề cập đến việc sử dụng các công cụ như đánh giá tác động của quy định, sự tham gia của các bên liên quan và đánh giá hậu kỳ để cải thiện chất lượng môi trường pháp lý cho doanh nghiệp, người dân và xã hội. Các công cụ GRP rất hữu ích để xác định và xem xét các chính sách/quy định nào là cần thiết để đạt kết quả nhất định, cuối cùng là làm cho việc tuân thủ quy định trở nên đơn giản và có ý nghĩa nhất có thể.

  Tiểu My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích