Chuyên gia hiến kế áp dụng nhóm kiểm soát chất lượng (QCC) cho sinh viên

Chương trình có sự tham gia của ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, đoàn viên thanh niên các đơn vị của Ủy ban tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Về phía các trường đại học, cao đẳng có sự tham gia trực tuyến của gần 100 sinh viên và các thầy cô giáo đến từ: Đại học Phan Thiết, Đại học Nha Trang, Đại học Trà Vinh, Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Bình Dương, Đại học Lâm Nghiệp, Đại học Kinh tế kỹ thuật Thái nguyên, Đại học Thủ Dầu 1, Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 Vĩnh Phúc, Cao đẳng Miền núi Bắc Giang, Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh, Cao đẳng Nghề Sóc Trăng.

Trình bày tại buổi đào tạo, bà Trần Thị Kim Dung – Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, báo cáo viên của chương trình cho biết, nhóm kiểm soát chất lượng (QCC) được biết đến là công cụ quan trọng để cải tiến chất lượng. Hoạt động của QCC đã góp phần thể hiện vai trò quyết định và khả năng vô tận của con người trong sản xuất; Đẩy mạnh việc thực hiện phương pháp Quản lý chất lượng toàn diện – TQM trong công ty, xí nghiệp, nâng cao chất lượng không ngừng, giảm chi phí và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

QCC được áp dụng ở Nhật Bản từ những năm 1960 sau những nỗ lực của người Nhật trong nâng cao năng suất chất lượng và văn hóa doanh nghiệp lấy con người làm trung tâm. QCC bắt đầu được các nước khác áp dụng từ năm 1978 và cho đến nay có một số nước đã áp dụng khá thành công như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ở Việt Nam, vấn đề về chất lượng mới thực sự được quan tâm trong một số năm gần đây.

Để minh chứng cho vì sao chúng ta nên áp dụng hoạt động QCC, bà Dung đưa ra ví dụ thực tiễn về việc Cục Đăng kiểm Việt Nam ra thông báo triệu hồi xe Honda Civic sản xuất năm 2022 do phát hiện mối hàn khung đệm ghế lái có thể bong tróc khi xảy ra va chạm và có thể ảnh hưởng đến an toàn của người lái.

Rõ ràng thông qua ví dụ trên chúng ta thấy ngay được những thiệt hại mà hãng xe sẽ phải khắc phục để đảm bảo an toàn cho khách hàng khi mua xe: đền bù thiệt hại, thay đổi thiết kế, làm lại, kiểm tra, hủy bỏ… Nhưng hậu quả không chỉ dừng lại như thế mà sẽ kéo theo hậu quả lâu dài trong tương lai như: Phát sinh thêm công việc, tăng chi phí thời gian thực hiện, mất cơ hội với khách hàng, Uy tín thương hiệu bị suy giảm…

Buổi đào tạo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Điều này liên quan đến nguyên lý tảng băng trôi, rõ ràng những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là 1 phần của vấn đề còn rất nhiều nội dung phải tìm hiểu, phát hiện và giải quyết mới đem lại hiệu quả tốt nhất

“Thông qua ví dụ trên có thể thấy việc chúng ta xử lý vấn đề càng sớm sẽ giảm thiểu rất nhiều chi phí. Quy tắc 1:10:100 cho thấy lỗi sai phát hiện trong công đoạn đầu thiệt hại 1 lần thì công đoạn cuối cùng thiệt hại 10 lần và sau bán hàng thiệt hại 100 lần. Nên thay vì ngồi đợi vấn đề xuất hiện việc thiết lập 1 nhóm chủ động tìm kiếm phát hiện vấn đề giải quyết sẽ tiết kiệm chi phí rất nhiều, vì thế chúng ta cần có nhóm chất lượng QCC”, bà Dung nói.

Cũng theo bà Dung, đặc điểm của nhóm chất lượng: Thứ nhất, nhóm nhỏ: dưới 10 người mỗi người đóng vai trò khác nhau. Trong nhóm sẽ có trưởng nhóm, vai trò của trưởng nhóm: Xác định vai trò tạo điều kiện cho các thành viên hoạt động; Đào tạo thành viên; Hiểu rõ ý kiến và mong muốn của cấp trên tại nơi làm việc.

Vai trò của các thành viên: Phối hợp giúp trưởng nhóm thực hiện mục tiêu; Thực hiện nhiệm vụ được phân công theo đúng tiến độ; Chủ động đề xuất các nội dung cải tiển mở rộng.

Thứ hai, liên tục kiểm soát và cải tiến: Không ngừng chủ động tìm kiếm vấn đề và giải pháp, đi đến từng công đoạn sản xuất để tìm hiểu các vấn đề.

Thứ ba, nhóm tự xác định công việc cần làm, cách làm và xác nhận hiệu quả.

Thứ tư, sử dụng thành thạo các công cụ giải quyết vấn đề theo chu trình PDCA

Theo quan điểm hiện đại, tất cả thành viên đều tham gia vào các bước theo chu trình PDCA bao gồm: Plan: Lập kế hoạch bao gồm hoạt động thành lập nhóm QCC và xác định, phân tích vấn đề và lập kế hoạch hành động; Do: Thực hiện giải quyết vấn đề đã đặt ra; Check: Đánh giá kết quả thực hiện; Act: Thực hiện các cải tiến để đạt hiệu quả.

Chia sẻ về mục tiêu của QCC, bà Dung cho hay, QCC giúp cải thiện năng suất, chất lượng, chi phí; Thiết lập mức độ kiểm soát chủ động hơn; Thiết lập mối quan hệ hỗ trợ nhau; Nâng cao thu nhập chia sẻ lợi ích người lao động và doanh nghiệp.

Thành công của 1 kaizen là khởi đầu 1 kaizen mới, chính vì thế hoạt động của nhóm cải tiến chất lượng là hoạt động lâu dài luôn chủ động tìm kiếm vấn để đưa ra giải pháp thực hiện đạt mục tiêu mới, chính vì thế khi áp dụng QCC đòi hỏi ý chí kiên định và quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. Sự quan tâm khích lệ của lãnh đạo là yếu tố quan trọng hàng đầu dẫn đến thành công của hoạt động QCC”, bà Dung nhấn mạnh.

Áp dụng vào thực tiễn đối với các bạn sinh viên, bà Dung cho rằng khi tìm hiểu về QCC, các bạn sinh viên có thể tăng năng suất hiệu quả làm việc, các thành viên hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy tư duy sáng tạo và kết nối các mối quan hệ.

Bên cạnh đó, tư duy chủ động giải quyết vấn đề: cách chúng ta chủ động tìm tòi vấn đề để khắc phục và nâng cao hiệu quả công việc. Điều này cực kỳ quan trọng và nếu có được tư duy chủ động sẽ rất tốt cho cơ hội nghề nghiệp mỗi người. Bởi sau khi rời ghế nhà trường, nếu chỉ thụ động trông chờ vào chỉ việc và làm theo bảng mô tả công việc đơn thuần của tổ chức thì cơ hội nghề nghiệp sẽ ngày càng thu hẹp. Và khi phát hiện ra vấn đề chúng ta xử lý theo chu trình PDCA, những bạn sinh viên hoàn toàn có thể áp dụng để nâng cao hiệu quả học tập.

Buổi đào tạo “QCC – Nhóm kiểm soát chất lượng” là chuyên đề thứ 6 trong chuỗi 10 chuyên đề đào tạo về các công cụ cải tiến năng suất do các báo cáo viên của Ủy ban trình bày, lần lượt bao gồm:

“Tổng quan về năng suất”

5S – Nền tảng cải tiến năng suất chất lượng;

TWI – Mô hình nhóm huấn luyện (TWI) nâng cao năng lực cho đội ngũ giám sát tuyến đầu;

7 lãng phí – Nhận diện các lãng phí trong sản xuất và cách loại bỏ hiệu quả;

Kaizen – Tư duy cải tiến liên tục;

QCC – Nhóm kiểm soát chất lượng;

TPM – Áp dụng TPM nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị;

MFCA – Tổng quan về MFCA: Phương pháp hạch toán chi phí dòng nguyên liệu;

Lean: Tư duy giảm thiểu lãng phí (Lean) để tăng năng suất;

KPI: Áp dụng KPI trong thực thi chiến lược kinh doanh của tổ chức;

 Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích