Nghệ sĩ Trà Giang: “Tôi một mình nhưng không cô đơn”

Nghệ sĩ Trà Giang: “Tôi một mình nhưng không cô đơn”

25 năm chồng qua đời, nghệ sĩ Trà Giang lấy hội họa, phim ảnh làm niềm vui sống, là chỗ dựa tinh thần cho con gái – pianist Bích Trà.

  • •  Nghệ sĩ Việt ủng hộ sau bão Yagi: Người góp của, người góp công
  • •  Nghệ sĩ Việt tiết lộ “nghệ thuật” sống chung, được con riêng của chồng quý như mẹ đẻ

Phim tài liệu Dòng sông ký
ức về nghệ sĩ Trà Giang lần đầu công chiếu ở Liên hoan phim tài liệu châu Âu –
Việt Nam lần thứ 14, tại Hà Nội và TP HCM trong tháng 9. Dịp này, Nghệ sĩ Nhân
dân 82 tuổi nói về cuộc sống và các vai diễn để đời của bà.

Cảm xúc của bà khi tham
gia phim tài liệu về cuộc đời mình?

Tôi già rồi nên nhiều lúc
không muốn xuất hiện trước công chúng hay trên màn ảnh. Ngày xưa vì công việc
phải làm, còn bây giờ tôi khép mình, ngại đám đông, chỉ muốn đắm chìm vào thế
giới hội họa. Nhiều năm trước, có một số đạo diễn ngỏ lời mời tôi quay lại phim
ảnh, nhưng tôi đều từ chối. Khi đạo diễn Nguyễn Thước gọi điện mời tôi tham gia
dự án, cậu ấy nói: “Em làm phim về chị để nói đến nền điện ảnh Việt Nam,
từ những thước phim đầu tiên đến giai đoạn sau này”. Tác phẩm còn để kỷ
niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh, tôi
nhận lời vì trân trọng ý nghĩa của bộ phim.

Nghệ sĩ Trà Giang thời xuân sắc, ghi dấu ấn với khán giả qua các phim “Mối tình đầu”, “Chị Tư Hậu”, “Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm”, “Dòng sông hoa trắng”.

Tác phẩm “Dòng sông
ký ức” gợi bà nhớ gì về quãng đời sôi nổi với điện ảnh?

Tôi rất nhớ anh em làm
phim. Lứa diễn viên đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam như tôi đa phần lớn
tuổi, chỉ còn một vài người như nghệ sĩ Minh Đức, Ngọc Lan hoạt động nghệ
thuật, số còn lại sức khỏe kém. Có nhiều đạo diễn, quay phim, họa sĩ thiết kế
qua đời, nhưng tôi không quên người nào.

Tôi hay nói với mọi người là
mình may mắn khi gắn bó điện ảnh. Sau khi học xong, tôi có vai trong Một ngày
đầu thu. Thời đó nhiều gian khổ, tôi chỉ biết cố gắng làm tròn vai trò của
mình, có cơ hội thân thiết nhiều đạo diễn như Bạch Diệp, Hải Ninh, Trần Phương.
Từ đó, chúng tôi hình thành những mối thâm tình. Khi các anh, các chú qua đời,
tôi vẫn giữ liên lạc với người thân, con cháu của họ. Mỗi lần ra Hà Nội chơi,
chúng tôi vui mừng gặp lại nhau, đến nhà người này người kia hỏi thăm sức khỏe.

Năm 2012, Ủy ban Nhân dân
tỉnh Quảng Trị và các ban ngành kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng Quảng Trị. Khi
đó, đạo diễn Hải Ninh đã yếu, biên kịch Hoàng Tích Chỉ cũng không có mặt, chỉ
có tôi và nghệ sĩ Đoàn Dũng. Gặp lại mọi người, chúng tôi ôm nhau khóc, nhớ về
giai đoạn làm phim năm 1970. Thuở ấy đoàn phim nhận được sự giúp đỡ của các
chiến sĩ công an, gặp hình mẫu của vai diễn trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm
(1973). Quá trình đó làm nên con người tôi, giúp tôi biết yêu thương mọi người.

Vắng bóng màn ảnh hàng
chục năm qua, niềm vui trong cuộc sống hiện tại của bà là gì?

Tuy không xuất hiện nhiều
năm trên màn ảnh, tôi hạnh phúc khi bây giờ vẫn được khán giả nhớ đến. Hôm
26/8, tôi có dịp ra Hải Phòng kỷ niệm 70 năm Trường học sinh miền Nam trên đất
Bắc, được nhiều người nhận ra dù tôi đeo khẩu trang, khiến tôi bất ngờ và biết
ơn tình cảm của mọi người. Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ là nhận được sự yêu
mến từ khán giả.

Năm 1999, tôi bắt đầu tiếp
xúc sâu với hội họa. Năm đó cũng là năm chồng tôi – giáo sư, tiến sĩ âm nhạc
Nguyễn Bích Ngọc – qua đời. Vì từng đóng phim, có cơ hội được đi nhiều, tôi
tiếp thu kiến thức về bố cục, đường nét rất nhanh. Lúc mới học vẽ, tôi miệt mài
sáng tác cả ngày lẫn đêm. Năm ngoái, tôi vẽ trên 20 bức, nhưng ngưng vẽ từ đầu
năm nay vì đau tay.

Tôi sống một mình nhưng
không thấy cô đơn vì còn có thể vẽ tranh, nói chuyện với con gái hàng ngày, xem
phim, đọc sách. Cuối tuần, tôi và nhóm bạn tụ họp hàn huyên, nấu vài món ngon.
Đợt này con gái tôi – Bích Trà – thường về nước trình diễn piano, hai mẹ con
cùng đi du lịch, nghe nhạc thính phòng

Với tôi, chỉ cần làm việc là
đủ thỏa mãn, hạnh phúc. Hiện tôi giữ sức khỏe để tổ chức triển lãm cá nhân vào
ngày 20-30/10 tại TP HCM. Các tác phẩm thuộc bộ sưu tập Quê hương, về hoa và
phong cảnh đất nước – đề tài tôi theo đuổi từ khi học vẽ.

Bà chăm sóc sức khỏe của
mình ra sao khi người con duy nhất – nghệ sĩ Bích Trà – sống và làm việc ở nước
ngoài?

Hàng ngày, tôi có thói
quen dậy lúc 4h, tập thể dục, đi bộ khoảng 30 phút, sau đó ăn sáng, uống trà.
Tôi ăn uống đơn giản, chỉ thường dùng rau luộc với cá kho, hoặc cá ướp, xíu
mại. Lúc trước tôi hay xem phim truyền hình đến hơn 23h mới ngủ, nhưng dạo gần
đây đi ngủ lúc 22h.

Đầu năm, lúc đi khám sức
khỏe, bác sĩ nói tôi có viên sỏi to ở ống mật, nội soi không gắp ra được nên
phải dưỡng bệnh, uống thuốc. Tôi từ chối lời mời đi nhiều sự kiện vì muốn ở
nhà, không yên tâm khi đi xa.

Nghệ sĩ Trà Giang trong buổi phỏng vấn ngày 10/9 tại nhà riêng ở TP HCM. Ảnh: Quế Chi

Tuy không đóng phim, bà
tích cực dự nhiều sự kiện điện ảnh. Bà nhận thấy sự phát triển của bộ môn nghệ
thuật này những năm qua thế nào?

Thời tôi còn đóng phim rất
khổ cực, kiếm được một cái máy quay là quý lắm. Ngày trước không có phim tư
nhân, hàng năm chỉ có một đến bốn tác phẩm, nhưng sau khi đất nước thống nhất,
tình hình phim ảnh cải thiện khi có đến 10 dự án một năm. Anh em có công ăn
việc làm, diễn viên không phải chờ được đóng phim, khán giả có gu thưởng thức
hơn trước.

Tôi thấy để nền điện ảnh
vững mạnh, chúng ta cần mời nhiều chuyên gia đào tạo đồng bộ các vị trí như đạo
diễn, diễn viên, dựng phim, sản xuất. Đến lúc ra trường, ai có khả năng, ý chí
vươn lên sẽ có thể làm những dự án tốt. Điều này tôi nhận ra từ khi học tập ở
trường điện ảnh.

Sau này, khi theo dõi nhiều
phim, tôi cảm nhận các nghệ sĩ có cuộc sống nội tâm phong phú, diễn đạt nhiều
cảnh khó. Lúc trước, thầy cô nói với chúng tôi: “Phải làm đẹp cho nhân vật
chứ không phải làm đẹp cho bản thân mình”, ngụ ý tìm ra điểm riêng trong
mỗi nhân vật, dù họ là người tốt hay kẻ xấu, đồng thời giúp khán giả cảm nhận
được điều đó. Tôi nghĩ bài học này vẫn còn giá trị đến này nay, những diễn viên
trẻ muốn đứng lâu trong nghề nên theo đuổi.

Trà Giang trong phim “Chị Tư Hậu”. Video: Hãng phim truyện Việt Nam

Điều bà tâm đắc về công
việc diễn xuất của mình là gì?

Đối với tôi, sự chân thực
là tiêu chuẩn hàng đầu của một nghệ sĩ. Tôi nghĩ mình có yếu tố đó, được duy
trì và phát huy từ tiểu phẩm ở trường đến nhiều bộ phim sau này. Muốn có được
sự chân thực, diễn viên phải am hiểu nhân vật. Mỗi khi nhận vai, tôi đặt nhiều
thắc mắc, trong đó có ba câu hỏi mà người diễn viên luôn phải tìm tòi: Nhân vật
xuất thân từ tầng lớp nào, vì sao phải làm việc này và làm thế nào. Ngoài đọc
kịch bản, chúng ta cần nghiên cứu tài liệu, sách vở về giai đoạn trong phim,
tìm nguyên nhân, động cơ nhân vật. Từ đó, diễn viên mới bộc lộ khả năng, ứng
biến qua từng phân đoạn.

Những vai diễn của tôi phản
ánh nhiều giai đoạn của đất nước ta, mang ý nghĩa xã hội, đề cao vai trò phụ
nữ. Lúc tham gia Chị Tư Hậu (1962), tôi chỉ mới 20 tuổi, chưa hiểu hết được khó
khăn, gian khổ của chín năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Nhưng tôi từng
chứng kiến lính Tây ném bom, bắt bớ, cảnh làng quê tan tác sau vụ cháy, cha mẹ
lạc con từ sáng đến chiều. Những khoảnh khắc ấy ăn sâu vào tâm trí, giúp nâng
cao khả năng diễn xuất.

Nhân vật Dịu trong Vĩ tuyến
17 ngày và đêm (1973) cũng là hình tượng mà tôi và đạo diễn sáng tạo. Trước khi
bấm máy, tôi gặp nhiều chiến sĩ từ Nam ra Bắc chữa bệnh. Tôi đề nghị đạo diễn
Hải Ninh sửa một số chi tiết về câu chuyện đấu tranh giữ gìn Tổ quốc của họ, để
khắc họa tính cách người phụ nữ trong chiến tranh. Tôi nghĩ xã hội ảnh hưởng
rất nhiều đến người nghệ sĩ, làm diễn viên có thêm vốn sống, khiến họ đồng cảm
với nhân vật.

Nghệ sĩ Trà Giang sinh năm
1942 tại Phan Thiết (Bình Thuận), theo gia đình tập kết ra Bắc học tập rồi trở
thành sinh viên khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam (sau này là Đại học
Sân khấu Điện ảnh Việt Nam). Nghệ sĩ nổi tiếng qua các phim Một ngày đầu thu,
Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chung một dòng sông. Bà nhận danh hiệu
Nghệ sĩ Nhân dân năm 1984.

Bà hiện sống ở TP HCM, dồn
tâm huyết cho hội họa, từng tổ chức nhiều triển lãm tranh. Chồng bà là Nghệ sĩ
Ưu tú, Giáo sư âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc, con gái là nghệ sĩ dương cầm Bích Trà,
51 tuổi.

Bạn cũng có thể thích