Bánh Trung thu ‘handmade’: Giá rẻ có đi liền với chất lượng?

Bánh Trung thu là sản phẩm quen thuộc đối với các gia đình tại Việt Nam. Một tuần nữa là đến Tết Trung thu, trên thị trường đã tràn ngập các loại bánh nướng, bánh dẻo với nhiều kiểu dáng phong phú. Ngoài những mẫu bánh Trung thu vị truyền thống, còn xuất hiện nhiều loại bánh với nhân đa dạng và hương vị độc đáo.

Đặc biệt, tại thị trường trong nước, các sản phẩm bánh Trung thu handmade đang nổi lên như một xu hướng (trend) thu hút rất nhiều khách mua hàng. Những loại bánh này được quảng cáo là tự làm với hình thức bắt mắt, kiểu dáng phong phú, chất lượng và hương vị mới lạ, đặt làm theo yêu cầu. Hơn hết, bánh Trung thu handmade được người tiêu dùng ưa chuộng bởi giá thành rẻ hơn so với bánh Trung thu truyền thống.

Tuy nhiên, với bánh Trung thu tự làm, việc người chế biến sử dụng nguyên liệu có bảo đảm chất lượng hay không vẫn là điều đáng lo ngại.  Bởi hiện nay, nhiều sản phẩm bánh Trung thu được bán trôi nổi trên mạng xã hội, người tiêu dùng khó có thể tìm được thông tin về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Trước tình hình này, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chỉ đạo các Cục QLTT địa phương, nhất là Cục QLTT TP.Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh – 2 thị trường có sức tiêu thụ lớn về bánh trung thu trong dịp này, tiến hành kiểm tra đối với các thương hiệu lớn sử dụng sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, kịp thời xử lý nghiêm, đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm nay.

Bánh Trung thu không rõ nguồn gốc.

Đối với bánh Trung thu được quảng cáo nhập khẩu, handmade bán tràn lan trên mạng, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, thị trường bánh Trung thu và sản phẩm liên quan đến Tết Trung thu được người dân quan tâm. Cũng giống như mọi năm, vẫn còn các cơ sở sản xuất thủ công thường sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, quy trình chế biến không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, dẫn đến sản phẩm được sản xuất thường có chất lượng không đảm bảo so với sản phẩm của các công ty và đơn vị sản xuất có uy tín, thương hiệu.

Một phần là do ý thức của người dân muốn mua sản phẩm rẻ, không quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm khi mua, dẫn đến việc bánh thủ công, không có nguồn gốc rõ ràng vẫn được tiêu thụ. Đây là một phần góp vào nguy cơ mất an toàn về thực phẩm tăng cao trong dịp Trung thu.

Cùng với đó, nguyên liệu được nhập từ các nước láng giềng về hiện nay rất khó kiểm soát. Trong nhiều năm trước đã có hiện tượng bánh Trung thu trứng chảy, bánh Trung thu nhập từ các nước láng giềng về, sản phẩm chưa được công bố về chất lượng cũng như chưa được cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm định xem có phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam hay không.

Tuy nhiên, một số tổ chức cá nhân vẫn vì lợi nhuận tìm cách nhập lậu về để tiêu thụ trong thị trường nội địa, họ nắm bắt thị hiếu sính ngoại cũng như thích chơi trội so với thị trường nên vẫn tiêu thụ được lượng lớn sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc và có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Để quản lý chặt chẽ thị trường bánh Trung thu, Tổng cục QLTT phối hợp thường xuyên với cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm. Đồng thời tuyên truyền đến người dân chỉ nên mua sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc, chất lượng đã được kiểm định.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo, người dân nên lựa chọn các quầy bánh Trung thu có thương hiệu, lựa chọn cơ sở sản xuất có uy tín. Những quầy bán bánh Trung thu cần có đầy đủ giấy tờ do cơ quan chức năng địa phương cấp phép đủ điều kiện kinh doanh. Người dân không nên mua các loại bánh Trung thu “siêu rẻ”, bánh giảm giá trên mạng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thanh Hiền (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích