6 lĩnh vực nào phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính?

Biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Nguyên nhân chính được ghi nhận là do lượng phát thải khí nhà kính không có xu hướng giảm trong những năm qua. Nếu tình trạng này còn gia tăng, nó sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như gây ảnh hưởng tiêu cực đối với tự nhiên và con người.

Trong đó, khí nhà kính là thành phần dạng khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (bức xạ hồng ngoại) trong dải bước sóng của Trái Đất gây ra, được phản xạ từ bề mặt Trái Đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, rồi phân tán nhiệt lại cho Trái Đất và gây nên hiệu ứng nhà kính. Khí nhà kính cần loại bỏ chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N20, NF3, SF6, HFCs và PFCs,…

Khí nhà kính cần loại bỏ chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N20, NF3, SF6, HFCs và PFCs,… Ảnh minh họa.

Nói về lộ trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong nước, ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp Quacert, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020, có hiệu lực từ 01/01/2022, quy định cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:

Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm; thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;

Hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31/12 của kỳ báo cáo.

Còn theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, các đơn vị có mức phát thải khí nhà kính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, thuộc 6 lĩnh vực sau phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; và chất thải.

Cụ thể, 1.912 cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3 kể từ năm 2023. Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025 để thẩm định. Hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, gửi bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025.

Cũng theo ông Dũng, doanh nghiệp nên áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 14064-1 vào hoạt động kiểm kê của mình. “Đây là tiêu chuẩn Việt Nam hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế. Khi đó kết quả kiểm kê sẽ bao gồm tất cả các nguồn phát thải có thể tính toán, đo lường được. Còn để đáp ứng yêu cầu pháp luật, doanh nghiệp chỉ cần kết xuất ra một báo cáo riêng, vẫn trên cơ sở dữ liệu từ kết quả kiểm kê theo tiêu chuẩn TCVN. Khi đó doanh nghiệp sẽ có được con số toàn diện về lượng phát thải của mình và có cơ sở để định lượng vết carbon (hay dấu chân carbon) cho các sản phẩm của mình chính xác, tin cậy hơn, làm cơ sở cho việc tham gia trao đổi tín chỉ carbon sau này”, ông Dũng nói.

Mai Phương (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích