Quảng Trị: Phát hiện, tạm giữ 88,5 kg thực phẩm đã qua chế biến không rõ nguồn gốc

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024, vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an tỉnh Quảng Trị tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh N.T.K.L tại phường 1, thành phố Đông Hà.

Lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh có dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh: Cục QLTT  Quảng Trị)

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cửa hàng có 88,5 kg thực phẩm đã qua chế biến, bao gồm xúc xích, chả giò, thịt lợn chà bông, cá khô tẩm gia vị… không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Số hàng hóa này không có nhãn mác, không có thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng và không có công bố chất lượng sản phẩm. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của các loại hàng hóa nêu trên.

Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm để xác minh các tình tiết liên quan nhằm xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh N.T.T tại phường Đông Lương, thành phố Đông Hà. Kết quả kiểm tra phát hiện 1.000 sản phẩm bánh trung thu do Trung Quốc sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa này.

Qua làm việc, chủ hộ kinh doanh thừa nhận hàng hóa trên là hàng nhập lậu và sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải hình ảnh, chào bán bánh trung thu. Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định.

An toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm, đặc biệt trong giai đoạn Tết Trung thu. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tăng cường kiểm tra trong lĩnh vực này, nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm để tạo tính răn đe, góp phần hạn chế tình trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các loại thực phẩm đã qua chế biến được sử dụng trực tiếp.

Đối với mức xử lý từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, căn cứ điểm c khoản 1, các quy định từ khoản 2 đến khoản 11 và điểm a khoản 12 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CPngày 26/8/2020 của Chính phủ, đối với hành vi vi phạm về thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ xử phạt tương ứng với giá trị hàng hóa vi phạm như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.

8. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

9. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.

10. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

11. Phạt tiền từ 80.000 000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích