Điện ảnh Việt Nam nhiều thành tựu sau 50 năm thống nhất đất nước

Hội thảo đã có những tham luận được các nhà làm phim, chuyên gia về điện ảnh dày công nghiên cứu, chuẩn bị cùng những trao đổi, thảo luận cởi mở để nêu bật những thành tựu, giá trị căn cốt của điện ảnh Việt Nam trong 50 năm qua.

Theo PGS.TS Vũ Ngọc Thanh – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, với phim truyện điện ảnh 50 năm qua, sự kết hợp hài hòa của dòng điện ảnh sử thi (được mô phỏng hoành tráng, đi sâu khai thác các vấn đề lớn của đất nước, dân tộc và thời đại…) với dòng điện ảnh thơ (thấm đẫm cốt cách Việt, mang vẻ đẹp tâm hồn Việt cùng thiên nhiên, đất trời Việt trong cuộc sống vốn không đơn giản) và dòng điện ảnh đấu tranh (phê phán hiện thực tiêu cực, thói hư tật xấu trong đời sống xã hội, với phương pháp vừa phê phán vừa châm biếm hài hước, chóng để xây, đấu tranh để xây dựng…) đã góp phần tạo nên bản sắc của phim truyện, với những dòng chủ đạo và tạo giá trị căn cốt, gợi mở hướng đi cho những năm tới.

Chính vì thế, việc nâng cao chất lượng phim truyện để các dòng phim truyền thống – cách mạng, nghệ thuật và giải trí cùng phát triển hài hòa là nhu cầu cần thiết và tự thân; tạo nên sức mạnh bên trong của tác phẩm gắn liền với quan hệ tích cực và có mục đích nhất định của nghệ sĩ đối với cuộc sống, được miêu tả có tính chất công dân và quan hệ thẩm mỹ.

Quyền Linh trong phim Hai Muối - đề cử cho hạng mục Nam diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất tại Giải Cánh diều vàng 2024 - Ảnh: ĐPCC
Quyền Linh trong phim Hai Muối – đề cử cho hạng mục Nam diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất tại Giải Cánh diều vàng 2024 – Ảnh: ĐPCC

Bà Phạm Thị Thanh Hà – Trưởng phòng Kịch bản Hãng phim hoạt hình Việt Nam nhận định, mặc dù đã giành được những thành tựu đáng từ hào trong 50 năm qua, song trong xu thế đổi mới và phát triển hiện nay, Điện ảnh Hoạt hình đứng trước những cơ hội mới, đồng thới phải đối mặt với những thách thức.

“Cụ thể, thời lượng các chương trình dành cho thiếu nhi – những chủ nhân tương lai của đất nước chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng thời lượng phát sóng trên truyền hình. Đài Phát thanh – Truyền hình có thời lượng phát sóng cao nhất chỉ chiếm tỷ lệ 10,3%, phần lớn các đài còn lại chỉ đạt trên dưới 2%, thậm chí có đài chỉ đạt 1%”, bà Hà chia sẻ.

Quang cảnh Hội Thảo sáng 10/9.
Quang cảnh Hội Thảo sáng 10/9.

Trước thực trạng đó, bà Hà kêu gọi sự quan tâm, đầu tư có quy mô và lâu dài hơn của Nhà nước, của các tổ chức kinh tế, xã hội để có thể mở rộng sản xuất, tăng số lượng, chất lượng phim hoạt hình, có điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật để nâng cao trình độ nghệ thuật và trình độ kỹ thuật để theo kịp các nước có nền công nghiệp hoạt hình phát triển trong khu vực.

Bên cạnh đó, tại hội thảo các chuyên gia, nhà làm phim… cũng tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế của điện ảnh Việt Nam và đề xuất các giải pháp để công nghiệp điện ảnh – một ngành kinh tế văn hóa mũi nhọn, có sự phát triển đột phá trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa.

Lễ trao Giải Cánh diều vàng 2024 sẽ diễn ra tối nay, 10/9, tại Quảng trường Nhà hát Đó – Libera Nha Trang. Năm nay, Giải Cánh diều vàng 2024 là nơi tranh tài của hơn 160 tác phẩm điện ảnh, truyền hình và công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình nổi bật trong năm.

Điểm nhấn chính của Cánh diều vàng 2024 là chương trình thảm đỏ và lễ công bố trao giải sẽ diễn ra từ 17 giờ ngày 10/9 tại quảng trường Nhà hát Đó. Với chủ đề “Đam mê tỏa sáng”, lễ trao giải năm nay sẽ có sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu, nghệ sĩ, diễn viên trong nước và quốc tế đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Azerbaijan… Sự kiện được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, tiếp sóng các đài truyền hình khu vực và livestream trên các nền tảng mạng xã hội…

Hương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích