Khánh Hoà: Thúc đẩy phát triển du lịch xanh
Khánh Hoà: Thúc đẩy phát triển du lịch xanh
Những năm gần đây, du lịch tỉnh Khánh Hòa đã có sự chuyển hướng phát triển du lịch xanh.
Trong thời gian qua, ngành Du lịch nói chung và các doanh nghiệp du lịch nói riêng ngày càng có ý thức hơn trong việc phát triển du lịch xanh để hướng đến sự phát triển du lịch bền vững. Đi tiên phong phải kể đến Six Senses Ninh Van Bay. Đây được xem là khu nghỉ dưỡng có hệ sinh thái năng lượng mặt trời đầu tiên Việt Nam được xây dựng để cung cấp năng lượng bền vững cho khu nghỉ như điện, rau sạch hữu cơ và nước nóng. Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Cam Ranh cũng là đơn vị tiên phong trong phát triển du lịch xanh với việc giảm lượng rác thải nhựa thông qua việc vận hành nhà máy nước đóng chai ngay tại chỗ và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường như: Ống hút giấy, giấy ăn dễ phân hủy, bao bì và túi xách giấy. Rác từ cây cỏ và thức ăn thừa được thu gom và chuyển hóa thành phân hữu cơ để bón cho đất, giảm sử dụng phân bón hóa học. Tháng 1-2024, Ana Mandara Cam Ranh đã được trao Giải thưởng “Khách sạn xanh Asean 2024”.
Ở Bãi Dài (huyện Cam Lâm), các khu nghỉ dưỡng: Alma, The Anam đã xây dựng vườn rau xanh, vườn cây ăn trái, trang trại nuôi gia cầm, gia súc để khách đến tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, loại hình du lịch sinh thái cũng khá phát triển ở Khu du lịch Ba Hồ (thị xã Ninh Hòa), Khu du lịch Làng Nhỏ – Hồ Láng Nhớt (huyện Diên Khánh)… 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh cũng đang tìm hướng để phát triển du lịch xanh theo hướng du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Có thể nói, phát triển du lịch xanh đang ngày càng được nhân rộng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, sự phát triển du lịch xanh ở Khánh Hòa còn thiếu sự đồng bộ. Các công nghệ xanh được áp dụng trong lĩnh vực du lịch mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng năng lượng tái tạo ở các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng, khách sạn; các công nghệ xanh khác như công nghệ tiết kiệm nước sạch, tối ưu hóa năng lượng chưa được áp dụng nhiều. Đặc biệt, du lịch Khánh Hòa hiện chỉ tập trung khai thác lợi thế biển với các dịch vụ thuần túy mà chưa đa dạng hóa, khai thác các sản phẩm du lịch bổ trợ, kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu của khách du lịch. Việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa địa phương trong hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), việc phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững. Để thúc đẩy phát triển du lịch xanh, Khánh Hòa cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi công nghệ, giải pháp để trở thành doanh nghiệp xanh, hoặc điểm đến du lịch xanh bởi ứng dụng công nghệ mới vào du lịch xanh rất tốn kém”. Tương tự, ông Lê Đại Hải – Tổng Quản lý Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Cam Ranh cho rằng, muốn du lịch xanh phát triển mạnh mẽ và rộng khắp cần có sự chung tay của tất cả cộng đồng; trong đó, chính quyền địa phương cần đồng hành với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển du lịch xanh.
Từng nhiều năm làm du lịch, ông Phạm Minh Nhựt – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cho rằng, tỉnh cần sớm ban hành tiêu chí về du lịch xanh, có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển du lịch xanh, từ đó thúc đẩy, tạo động lực cho các đơn vị du lịch khác tham gia thực hành du lịch xanh. Khi đã xây dựng tiêu chí về du lịch xanh, ngành Du lịch sẽ tổ chức thẩm định, dán nhãn các cơ sở kinh doanh, điểm đến đủ tiêu chuẩn để du khách nhận biết, cũng như làm nền tảng để đẩy mạnh truyền thông quảng bá.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc Sở Du lịch cho biết, phát triển du lịch xanh là tất yếu. Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức diễn đàn “Phát triển du lịch xanh và bền vững” để tìm kiếm những giải pháp, cơ chế, định hướng phát triển du lịch Khánh Hòa bền vững. Hiện nay, UBND tỉnh đang phối hợp với Trường Đại học VinUni xây dựng Đề án Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 – 2030, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi xanh. Trong dự thảo đề án này đã dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ công bố bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng cơ sở kinh doanh du lịch xanh, điểm đến du lịch và bắt đầu triển khai dán nhãn xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch, điểm đến du lịch trong toàn tỉnh. Dự thảo đề án cũng đã tính đến áp dụng mô hình phát triển du lịch xanh tại các khu du lịch, điểm du lịch; phát triển tuyến điểm du lịch kết nối các khu/điểm đến du lịch xanh trong toàn tỉnh có sản phẩm chất lượng xanh; xây dựng chiến lược định vị thương hiệu du lịch xanh; xây dựng bản đồ số du lịch xanh tại Khánh Hòa; xây dựng ứng dụng thông minh kết nối khách du lịch và người dân đến các điểm vui chơi, du lịch xanh… Với điều kiện đang có, sự định hướng của tỉnh, tin rằng trong những năm tới, du lịch tỉnh sẽ có sự chuyển đổi mạnh mẽ để xanh hóa hoạt động du lịch, đưa du lịch Khánh Hòa phát triển bền vững.
Minh Ngọc (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị