Giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp
Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng qua hệ thống quản lý ISO 50001
Tiêu chuẩn ISO 50001 về hệ thống quản lý năng lượng là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu suất năng lượng một cách có hệ thống và liên tục. ISO 50001 được thiết kế nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập quy trình quản lý, giám sát và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, từ đó giảm thiểu tiêu thụ và phát thải khí nhà kính mà không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh.
Áp dụng ISO 50001 vào sản xuất giúp quản lý năng lượng một cách hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025, các doanh nghiệp có mức tiêu thụ trên 1 triệu kWh/năm được yêu cầu phải giảm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ hàng năm. Để đạt mục tiêu này, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn ISO 50001, tiêu chuẩn quốc tế về quản lý năng lượng như một giải pháp mang tính chiến lược.
ISO 50001 cung cấp khuôn khổ quản lý giúp doanh nghiệp xác định cơ hội tiết kiệm năng lượng, từ việc cải thiện hiệu suất thiết bị đến tối ưu hóa quy trình sản xuất và vận hành. Hệ thống này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp về mặt kinh tế thông qua giảm chi phí năng lượng, mà còn giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh bằng việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao hình ảnh thương hiệu và giá trị doanh nghiệp trong mắt khách hàng cũng như đối tác toàn cầu.
Một trong những hệ thống quản lý tiêu biểu là ISO 50001, được Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) triển khai từ năm 2013. Toàn bộ nhà máy của Vinamilk đã áp dụng tiêu chuẩn này, giúp nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên (CBCNV) và thúc đẩy hiệu quả quản lý năng lượng.
Anh Nguyễn Quốc Phong – Trưởng ban năng lượng, môi trường, kinh tế tuần hoàn Công ty Cổ phần sữa Việt Nam cho biết, từ năm 2013 đến nay, 100% nhà máy của Vinamilk đã áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001. Theo đó, tất cả cán bộ nhân viên trong nhà máy được đào tạo nhận thức về hệ thống quản lý năng lượng, mọi thành viên liên quan đến hệ thống quản lý năng lượng phải tham dự khóa đào tạo về năng lượng ít nhất mỗi năm một lần để được nhắc lại, cập nhật kiến thức và thực hiện hệ thống quản lý năng lượng một cách có hiệu quả.
“Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 là công cụ quản lý năng lượng tiên tiến, có phương pháp đánh giá hệ thống khoa học, hiện đại giúp các nhà máy nhận diện được những tồn tại và tiềm năng có thể tiết kiệm năng lượng”, anh Phong cho biết.
Có thể thấy, ISO 50001 là công cụ hữu hiệu cho doanh nghiệp trong tìm kiếm giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và đạt hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội trong đảm bảo an ninh năng lượng trên phạm vi toàn cầu.
Đổi mới công nghệ và sử dụng năng lượng tái tạo
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là đổi mới công nghệ sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế. Các thiết bị cũ, tiêu tốn nhiều điện năng không chỉ gây lãng phí mà còn tăng nguy cơ rò rỉ điện và các sự cố. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, đồng thời lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái để giảm thiểu lượng điện tiêu thụ từ lưới quốc gia.
Doanh nghiệp sản xuất đầu tư hệ thống máy biến tần giúp tôi ưu điện năng. (Ảnh: tietkiemnangluong.com.vn)
Công ty Cổ phần Gạch Granit Nam Định (VID) đã áp dụng công nghệ biến tần, giúp tiết kiệm từ 10-20% điện năng cho các động cơ trong nhà máy. Đồng thời, công ty cũng đầu tư hệ thống lò nung tiên tiến, tiết kiệm gần 30% năng lượng so với công nghệ cũ, góp phần giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính.
Ông Nguyễn Kim Túc – Tổng giám đốc Công ty VID chia sẻ: “Để sử dụng năng lượng một cách hợp lý, hàng loạt dự án và giải pháp đã được Công ty đưa ra. Trong đó tiêu biểu như việc áp dụng công nghệ biến tần để giảm tiêu hao điện. Theo tính toán của Công ty đối với các động cơ được đầu tư biến tần sẽ giảm được từ 10 – 20% tiêu hao điện năng”.
Bên cạnh đó, việc tận dụng nguồn nhiệt dư thừa trong quá trình sản xuất để tái sử dụng cũng là giải pháp hiệu quả như cách mà Công ty VID áp dụng khi chuyển lò than gần hơn với tháp sấy để giảm hao hụt năng lượng.
Nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng và đổi mới quản lý
Một trong những thách thức lớn trong thực hiện tiết kiệm năng lượng là ý thức của cán bộ nhân viên. Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về việc tiết kiệm năng lượng cho toàn thể nhân viên. Vinapaco đã thực hiện nhiều phong trào thi đua và các chương trình đào tạo thường xuyên để đảm bảo người lao động nắm vững kiến thức về quản lý năng lượng hiệu quả.
Ông Ngô Tiến Luân, Trưởng phòng Kỹ thuật của Vinapaco cho biết, các biển cảnh báo, khẩu hiệu về sử dụng năng lượng tiết kiệm đã được treo khắp phân xưởng, nhắc nhở cán bộ nhân viên thực hiện nghiêm túc các biện pháp tiết kiệm điện năng.
Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp tài chính để đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2025, nhằm tăng cường chế tài bắt buộc thay vì chỉ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện.
Tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất mà còn đóng góp tích cực vào việc giảm phát thải khí nhà kính, điều cần thiết để đối phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành danh mục các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê và báo cáo kết quả giảm phát thải hàng năm. Doanh nghiệp phải có chiến lược dài hạn trong việc giảm tiêu thụ năng lượng và áp dụng công nghệ phát thải thấp như năng lượng mặt trời, gió, thay thế cho các nguồn năng lượng truyền thống.
Những giải pháp tiết kiệm năng lượng khi được triển khai đồng bộ, không chỉ giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh tế mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Duy Trinh – Thành Long