Thanh Hóa: Sẽ đầu tư xây dựng dự án hơn 360 tỷ đồng

(Xây dựng) – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 3558/QĐ-UBND, về việc phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm tim mạch – Hồi sức tích cực – Chẩn đoán hình ảnh và Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư hơn 360 tỷ đồng.

Thanh Hóa: Sẽ đầu tư xây dựng dự án hơn 360 tỷ đồng
Trung tâm tim mạch – Hồi sức tích cực – Chẩn đoán hình ảnh và Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ sẽ được xây dựng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, mục tiêu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, nâng cao năng lực chuyên môn, đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật khám, chữa bệnh của Bộ Y tế, trung tâm khám, chữa bệnh của khu vực. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Công trình có quy mô 8 tầng và 1 tầng tum được thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại, tổng diện tích sàn xây dựng 20.800m2; chiều cao công trình là 38,35m (tính từ cao độ mặt sân hoàn thiện đến cao độ đỉnh mái), cao độ nền (±0.00) cao hơn mặt sân hoàn thiện 0,75m, trong đó: Chiều cao tầng 1, 2 là 4,5m; chiều cao tầng 3÷8 là 4,1m; chiều cao tầng tum là 3,3m.

Mặt bằng công năng các tầng được tổ chức theo phương ngang, cụ thể: Tầng 1 bố trí khoa chẩn đoán hình ảnh; tầng 2 bố trí khoa hồi sức tích cực và chống độc; tầng 3 bố trí Ban bảo vệ sức khỏe; tầng 4÷7 bố trí khoa tim mạch (gồm các đơn nguyên: Cấp cứu tim mạch, suy tim – mạch vành, bệnh mạch máu ngoại vi, tim mạch tổng hợp); tầng 8 bố trí khoa hành chính và thiết bị vật tư y tế; tầng tum bố trí phòng kỹ thuật thang máy, lối thang bộ lên mái.

Các phòng, khu chức năng trong khoa gồm các bộ phận, đơn vị nghiệp vụ, khối đón tiếp, khối khám, bộ phận hành chính, khu điều trị, khu kỹ thuật, khu phụ trợ… được bố trí phù hợp với chức năng nhiệm vụ, nhu cầu sử dụng của từng khoa, đơn vị.

Giao thông theo chiều đứng bố trí hệ thống thang máy (thang máy tải khách và giường bệnh, thang máy phòng cháy chữa cháy), thang bộ. Giao thông theo chiều ngang bằng hệ thống sảnh, hành lang. Lối tiếp cận cho công trình bằng hệ thống sảnh xung quanh công trình, trong đó sảnh chính được thiết kế hợp khối với hành lang cầu đảm bảo kết nối với các công trình lân cận và các hạng mục phụ trợ khác…

Tổng mức đầu tư hơn 360 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng hơn 258 tỷ đồng; chi phí thiết bị hơn 41 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 4,8 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 14 tỷ đồng; chi phí khác hơn 2,2 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 39 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án năm 2024 – 2027.

Nguồn vốn, ngân sách tỉnh hỗ trợ không quá 150 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn đầu tư công 50 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp y tế 100 tỷ đồng); Bệnh viện Đa khoa tỉnh đảm nhận 210,3 tỷ đồng từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.

Chủ đầu tư (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa) có trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án, theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

Sở Xây dựng chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật (trong đó có trách nhiệm báo cáo, giải trình với các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán,…) về kết quả thẩm định, tính chính xác, hợp pháp của nội dung hồ sơ dự án trình phê duyệt; thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng dự án đúng quy định của pháp luật.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa; Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa; Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích