UAE hoàn tất xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này
UAE hoàn tất xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này
Ngày 5/9, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) thông báo đã hoàn tất dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này, cũng như của thế giới các nước Arập.
Đây là dấu mốc có ý nghĩa to lớn trong nỗ lực của UAE về tăng tính bền vững trong lĩnh vực điện năng, cũng như đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về bằng không.
Trong thông báo, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Emirates (ENEC) của UAE nêu rõ nhà máy điện hạt nhân Barakah được đặt tại Abu Dhabi sẽ sản xuất sản lượng điện đạt 40 terawatt-giờ (TWh) mỗi năm sau khi lò phản ứng thứ 4 và cũng là cuối cùng bắt đầu hoạt động thương mại. Sản lượng điện năng của nhà máy sẽ đáp ứng được 25% nhu cầu điện của cả nước.
Nhà máy trên đã bắt đầu sản xuất điện từ năm 2020 khi nhà chức trách nước này cho vận hành lò phản ứng đầu tiên.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, nhà máy Barakah có “tuổi thọ” khoảng 60-80 năm và sẽ được tháo dỡ sau thời hạn sử dụng này.
UAE là một trong những quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Hiện UAE đang chi hàng tỷ USD để phát triển năng lượng tái tạo ở mức đủ để đáp ứng một nửa nhu cầu của nước này vào năm 2050.
Năm ngoái, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã diễn tại Dubai, trong đó các nước nhất trí “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch” trong các hệ thống năng lượng, bắt đầu trong thập niên này, theo cách công bằng, có trật tự và phù hợp để đạt mục tiêu trung hòa khí thải năm 2050 trên cơ sở khoa học.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị