Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động tiếp xúc cử tri
Về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công cho biết, sau hơn 10 năm thi hành, Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động này.
Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội gồm 7 chương, 51 điều và Phụ lục kèm theo, quy định về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong việc tiếp xúc cử tri; tổ chức tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trách nhiệm giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tạ Thị Yên cho biết, Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 về quy chế hoạt động của HĐND có 9 điều (quy định về hoạt động tiếp xúc cử tri.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 753 hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 và đến nay vẫn chưa có văn bản thay thế, dẫn tới khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện trình tự, thủ tục tiếp xúc cử tri cũng như cách thức tổ chức…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp. Ảnh: T.N |
Do vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp là cần thiết nhằm thể chế hoá, bám sát yêu cầu thực tiễn và phát huy dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, để đại biểu HĐND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được cử tri giao cho mình.
Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp đã được tiếp thu và chỉnh sửa gồm 6 chương, 44 điều, trong đó quy định nguyên tắc hoạt động tiếp xúc cử tri; các hành vi bị cấm trong hoạt động tiếp xúc cử tri; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc tiếp xúc cử tri; nội dung, hình thức hoạt động tiếp xúc cử tri…
Cân nhắc tính khả thi của một số quy định mới
Cho ý kiến về Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhất trí việc điều chỉnh tên gọi của Nghị quyết từ “Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội” thành “Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội”.
Đồng thời, thời hạn gửi báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của Ban Dân nguyện tới Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chậm nhất là 5 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội sẽ rất khó khăn cho trong việc tổng hợp và hoàn thiện báo cáo, nên cần nghiên cứu, điều chỉnh quy định thời gian này.
Về vai trò của Công đoàn, ông Phan Nghiêm Long, Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, dự thảo 2 Nghị quyết đều quy định trách nhiệm của Thủ trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ quan, tổ chức nơi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri hoặc nơi đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri.
Tuy nhiên, nhiều công đoàn vẫn còn khuyết vị trí Chủ tịch Công đoàn nên quy định “cứng” như trên sẽ gây khó khăn khi thực hiện trên thực tế. Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc tập thể, tập trung dân chủ, cần điều chỉnh quy định này thành “trách nhiệm của đại diện Ban Chấp hành Công đoàn”…
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhất trí về sự cần thiết và tính phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng của 2 Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung căn cứ pháp lý để xây dựng 2 Nghị quyết trên; rà soát phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết liên tịch với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; bổ sung đánh giá tác động của 2 Nghị quyết tới thủ tục hành chính, tới giới và điều kiện tổ chức thực hiện.
Đối với Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ các hình thức tiếp xúc cử tri khác là những hình thức nào để đảm bảo tính ổn định, an toàn và triển khai hiệu quả trong thực tế. Đồng thời, làm rõ một số nội dung như: căn cứ đề xuất bổ sung thêm một số thành phần tham dự cuộc tiếp xúc cử tri; việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội; hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri trực tuyến; trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri…
Đối với Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì điều chỉnh quy định trách nhiệm của Thường trực HĐND các cấp phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời cân nhắc tính khả thi của việc tiếp xúc với trẻ em, tiếp xúc cử tri trên nền tảng số; nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri…
Nguồn: Báo lao động thủ đô