Phát triển tư duy năng suất cho cá nhân

Trong bối cảnh tốc độ thay đổi của thị trường đang nhanh hơn bao giờ hết, nhu cầu về thời gian và năng lượng ngày càng tăng cao. Việc hiểu cách khai thác và giữ gìn tư duy năng suất trở nên vô cùng quan trọng. Các chiến lược và phương pháp thực hành giúp chúng ta mở khóa toàn bộ tiềm năng, không chỉ làm được nhiều hơn mà còn làm đúng. Tư duy năng suất không chỉ về việc quản lý thời gian mà là nuôi dưỡng tư duy giúp chúng ta không ngừng phát triển, nâng cao khả năng thích ứng và tập trung vào kết quả hướng tới thành công.

Trong buổi nói chuyện P-Talk, TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ) đã chia sẻ ý tưởng về tư duy năng suất cá nhân (PPM) sau nhiều năm học tập và nghiên cứu ở Nhật Bản, chứng kiến phong cách làm việc kỷ luật của người dân Nhật, và nhận ra người Nhật áp dụng năng suất không chỉ cho những yếu tố bên ngoài mà kết hợp chặt chẽ với tư duy của họ.

Trong một thời đại mà sự thành công được đánh giá bởi năng suất, việc hiểu các yếu tố ảnh hưởng tới năng suất là điều vô cùng quan trọng. Một trong những yếu tố quyết định nhưng thường bị bỏ qua đó chính là PPM. Tư duy định nghĩa là tập hợp các thái độ và niềm tin được ai đó duy trì, bao gồm niềm tin và giả thuyết ảnh hưởng tới cách một cá nhân nhận thức, phản ứng với các tình huống. PPM đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mức độ nhận thức năng suất.

Theo TS. Hà Minh Hiệp, 4 yếu tố thúc đẩy năng suất (4E) chính là: Engagement: Tham gia: Tập hợp mọi người; Enlightenment: Khai sáng, phổ biến kiến thức, trao đổi thực chất; Engineering: Kiến tạo, đưa ra giải pháp để vượt qua thử thách; Evolution: Phát triển.

PPM còn được chia làm 5 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 tập trung vào nhân sự: KAIZEN, 5S…: Cải thiện môi trường làm việc, tạo thành thói quen, làm việc nhóm.

Giai đoạn 2 tập trung vào nguồn vốn/ thiết bị: Quản lý thiết bị; kiểm tra quy trình, sản phẩm.

Giai đoạn 3 tập trung vào việc quản lý: Quản lý hệ thống; Quản lý chất lượng; Quy trình làm việc.

Giai đoạn 4 tập trung vào kiến thức: Tạo, lưu giữ, truyền tải/chia sẻ và áp dụng kiến thức.

Giai đoạn 5 tập trung vào công nghệ số và đổi mới sáng tạo: Công nghệ số, sản xuất/chuỗi cung ứng/nhà máy thông minh, quản lý nguồn lực, quyết định số.

Tại STAMEQ để thay đổi cách nghĩ về PPM, 6 chương trình đã đưa vào nội bộ bao gồm: Chương trình hợp tác phát triển giữa các đơn vị sự nghiệp thuộc STAMEQ; Chương trình triển khai thực hiện nội dung kỷ cương, kỷ luật trong các hoạt động tại STAMEQ; Chương trình học tập ngoại ngữ; Chương trình định hướng cho tiến trình trung hòa carbon của STAMEQ; Chương trình tăng cường hoạt động 5S tại STAMEQ; Chương trình học tập STAMEQ.

Bên cạnh đó, phát triển nền tảng Vietnam innovation Productivity Assessment (ViPA) – sản phẩm của VNPI để giúp STAMEQ và các công ty Việt Nam đo lường sự sẵn sàng chuyển đổi số và năng suất với 16 tiêu chí trong 4 lĩnh vực: quản lý doanh nghiệp, quản lý năng suất, cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số và sản xuất thông minh.

Một điểm đặc biệt mà TS. Hiệp đề cập đó chính là người trẻ rất cần PPM. Người trẻ có thể gặp nhiều khó khăn khi mới tiếp cận với PPM, bao gồm thiếu khả năng tiếp cận nguồn lực, mức thất nghiệp trong xã hội cao. Trong bối cảnh đó, PPM có thể đem lại nhiều lợi ích cho giới trẻ như: Tập trung hơn vào hiệu quả, phát triển kỹ năng quản lý thời gian; Thích ứng với thay đổi, kỹ năng mới, cải tiến công nghệ liên quan đến công việc; Làm quen với việc nhìn nhận thách thức như cơ hội để phát triển; Khuyến khích người trẻ suy nghĩ sáng tạo, đổi mới; Chuẩn bị cho thành công về lâu dài và phát triển cá nhân.

Còn đối với tổ chức, doanh nghiệp khi áp dụng PPM phải vượt qua thói quen ngại thay đổi, cùng với đó tập trung đào tạo toàn diện, xây dựng kênh giao tiếp để xử lý các mối quan ngại và phản hồi của nhân viên để giúp giải quyết vấn đề, lập ra ban chuyên trách giám sát liên tục việc thực hành của nhân viên.

TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã được trao giải thưởng Cá nhân Ưu tú và Xuất sắc khu vực (APO Regional and Meritorious and Distinguished Award) trong phong trào Năng suất của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO). Giải thưởng nhằm vinh danh những nhà lãnh đạo xuất sắc tại Châu Á có nhiều đóng góp và thành tích vượt trội trong xây dựng chính sách và tư duy chiến lược, áp dụng ý tưởng mới, sáng tạo để cải thiện năng suất, góp phần đưa phong trào năng suất phát triển bền vững, xây dựng thể chế và hợp tác thể chế để cải thiện năng suất trong khu vực.

Hồng Phương – Trung tâm Chứng nhận phù hợp

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích