Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/9/2024
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/9/2024
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/9/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 5/9/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với siêu bão số 3 Yagi
Cùng dự trực tuyến với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại điểm cầu chính Bộ NN-PTNT có Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đại diện các bộ, ngành, cục, vụ liên quan.
Bão số 3 được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây. Vào sáng nay 5/9, bão đã mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Khả năng cao, cường độ bão sẽ tăng lên cấp 16 hôm nay trên vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông.
Trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 7-9 m, vùng gần tâm bão 10-12 m. Biển động dữ dội.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ tối và đêm 6/9, bão có thể vào Vịnh Bắc Bộ, kèm theo mưa, gió tăng rõ rệt. Vào chiều và đêm 7-8/9 sẽ có mưa to. Dự báo đến chiều 8/9, gió ven biển giảm, mưa tập trung ở Tây Bắc bộ.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão khi đổ bộ có thể mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 17. Bão hiện di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ khoảng 10-15 km/h.
Trong 24 giờ qua, bão số 3 liên tục tăng cấp. Nguyên nhân bởi điều kiện môi trường ở khu vực Bắc Biển Đông đang thuận lợi cho quá trình phát triển bão, với nền nhiệt cao 31 độ C duy trì nhiều ngày. Bên cạnh đó, khu vực này trong thời gian dài chưa xuất hiện bão nên năng lượng tích tụ, độ ẩm, hoàn lưu khí quyển và khí áp dòng dẫn liên tục tăng cấp.
Thời tiết oi nóng ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ không phải là điều kiện thuận lợi cho phát triển bão nhưng lại gây nguy cơ dông lốc trước bão. Dự báo, chiều 6/9, khi bão cách đất liền 400-500km, Bắc bộ và Thủ đô Hà Nội sẽ có mưa dông kèm lốc sét.
Hải Phòng: Triển khai ứng phó với cơn bão số 3
Dự cuộc họp tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương liên quan.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ ngày 4/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 730 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133 km/giờ), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 10km/ giờ. Dự báo, từ chiều ngày 4 đến 6/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 6h30 ngày 4/9 đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 50.000 phương tiện/219.000 người biết diễn biến, hướng đi của bão số 3 để chủ động di chuyển vòng tránh, trong đó 557 tàu/3.703 người hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và Quần đảo Hoàng Sa. Sản xuất lúa tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn 15.000 ha lúa hè thu đang giai đoạn chín sáp, cần tập trung mọi nguồn lực để thu hoạch với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; khoảng 998.000 ha lúa mùa đang ở giai đoạn sinh trưởng, cần huy động mọi nguồn lực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước sớm, tránh ngập úng khi mưa lớn xảy ra.
Đối với thành phố Hải Phòng, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, ngày 03/9/2024, UBND thành phố có Công văn số 1968/UBND-TL; sáng 04/9, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng có Công điện số 05/CĐ-CT chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão. Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố có Công điện số 27/CĐ-PCTT-TKCN&PTDS ngày 03/9/2024 về việc phòng chống bão. Cũng trong sáng 4/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ cùng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, TKCN và PTDS thành phố kiểm tra công tác thi công trên tuyến đê biển I, (quận Dương Kinh), đê Hữu Thái Bình (huyện Vĩnh Bảo).
Hiện tình hình khách du lịch lưu trú tại huyện Cát Hải có 4.345 khách (1.692 khách du lịch quốc tế, 2.653 khách du lịch trong nước) lưu trú tại Cát Bà đã được thông tin về diễn biến của bão. Quận Đồ Sơn hiện có khoảng 200 khách lưu trú trên địa bàn, đã được thông báo về diễn biến bão.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng, đến 9 giờ 00 ngày 04/9/2024 đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 1.794 phương tiện/5.219 lao động, 173 lồng bè/285 LĐ; 24 chòi canh/14 LĐ đang hoạt động và neo đậu diễn biến của bão để chủ động phòng tránh…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao sự chủ động tích cực chuẩn bị của các bộ, ngành, đơn vị và địa phương để ứng phó với cơn bão số 3. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương theo sát diễn biến của bão; thực hiện nghiêm Công điện số 86, ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án, tăng cường truyền thông các biện pháp, kỹ năng ứng phó cho người dân; thông tin kịp thời giữa các địa phương với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai quốc gia cũng như với các Bộ, ban, ngành, đơn vị và địa phương để xử lý các tình huống; tiếp tục chuẩn bị chu đáo với mục tiêu không để thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản… Các địa phương rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch…
Phát biểu chỉ đạo sau khi Hội nghị trực tuyến kết thúc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ yêu cầu trên cơ sở phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng như các văn bản chỉ đạo của thành phố về ứng phó với bão số 3, các Sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; khẩn trương rà soát, có phương án khắc phục do mưa; kiểm tra, rà soát để bảo đảm an toàn đối với các khu nhà chung cư xuống cấp, các công trình đang thi công, các khu công nghiệp…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, gia cố công trình đê điều, thủy lợi; tiếp tục rà soát nắm chắc số lượng người và phương tiện đang hoạt động trên sông, trên biển; đôn đốc các địa phương, đơn vị tổ chức công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản… Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước rà soát hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng , có phương án khắc phục ngập úng khu vực đô thị; cắt tỉa cây xanh; đồng thời thông báo cho các đơn vị xây dựng để có phương án bảo đảm an toàn cho công trình, tài sản. Sở Giao thông – Vận tải phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương rà soát khu vực neo đậu, các công trình đang thi công trên vỉa hè. Sở Thông tin và Truyền thông chủ động cập nhật thông tin nhanh nhất đến người dân; rà soát, kiểm tra các cột ăng ten, thu phát sóng. Sở Công Thương chuẩn bị phương án cấp điện, chuẩn bị cơ số lương thực, thực phẩm cung ứng cho người dân. Sở Y tế có phương án phòng, chống dịch bệnh sau bão… Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng , Công an tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng kịp thời có phương án hỗ trợ Nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau bão. Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tập trung rà soát lại các công trình đang thi công… Đối với các huyện Cát Hải, Bạch Long Vỹ và quận Đồ Sơn chủ động kiểm đếm tàu, thuyền về neo đậu an toàn. Cảng vụ đường thủy nội địa cần quản lý chặt các phương tiện trong vùng quản lý. Cảng vụ Hàng hải thông tin tới các chủ tàu có phương án neo đậu an toàn. Cảng hàng không Cát Bi chủ động rà soát có phương án về thời gian cấm bay phù hợp…
Hải Phòng: Tổng vệ sinh môi trường sau dịp nghỉ lễ Quốc khánh
Tại nhiều điểm trên các tuyến đường kiểu mẫu nơi tập trung đông nhà hàng, khách sạn, chợ dân sinh được lắp đặt bộ 3 thùng rác lớn với hình thức bắt mắt có màu sắc tương ứng với từng loại rác theo Quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Điều này đã gây chú ý và tạo động lực cho người dân thực hiện phân loại rác từ hộ gia đình và bỏ vào từng thùng theo quy định. Theo đó, thùng xanh đựng rác thải thực phẩm hữu cơ, thùng trắng đựng rác tái sử dụng tái chế và thùng vàng đựng rác thải sinh hoạt khác.
Sau khi lắp đặt và đi vào thực hiện thì bước đầu nhân dân thành phố rất là hưởng ứng và đã tiến hành thực hiện phân loại rác thải, cho rác thải vào thùng đúng quy định. Qua việc này đã giúp công ty thực hiện việc thu gom, xử lý, vận chuyển rác thải sau khi nhân dân đã phân loại thuận lợi hơn. Song song với đó để phục vụ nhân dân và du khách của thành phố trong và sau dịp lễ 02/9, Công ty tiếp tục chăm sóc cảnh quan tại vườn hoa công viên vệ sinh môi trường thuộc địa bàn của công ty quản lý.
Công ty tăng cường công nhân quét dọn thu gom rác thải giải tỏa ngay các điểm nóng phát sinh không để rác tồn đọng gây ô nhiễm môi trường. Trong đó phải kể đến hoạt động văn nghệ tại Nhà hát lớn thành phố và tuyến đi bộ trên đường Quang Trung đã thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch nên lượng rác thải phát sinh cao hơn những ngày thường.
Tại các vườn hoa công viên thuộc Dải trung tâm thành phố trong những ngày lễ công ty cũng tập trung ứng trực, chăm sóc hoa cây cảnh thay thế các loại cây hỏng không đảm bảo chất lượng tăng cường dưỡng chất để hoa nở bền đẹp.
Công ty cũng phối hợp với chính quyền các địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi thực hiện đổ rác đúng giờ đúng nơi quy định đảm bảo cảnh quan xanh, sạch tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi đến với Hải Phòng trong và sau kỳ nghỉ lễ.
Nam Định chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (YAGI)
Theo đó, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Sở NN và PTNT, các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố và các Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 23/CĐ- UBND ngày 03/9/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai ứng phó với bão số 3 năm 2024.
Đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông, tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các tuyến đê thường xảy ra sự cố khi có bão đổ bộ, các vị trí đê, kè đã bị xảy ra sự cố tại các huyện ven biển nhưng chưa được xử lý, khắc phục (như đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh và sự cố sạt lở kè biển Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu); trong đó khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ. Bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Đối với các tuyến đê sông, kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí xung yếu đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dang (nhất là các cống đang xây dựng như cống Chúa, huyện Giao Thuỷ và cống An Phú, huyện Xuân Trường; các đoạn kè đang thi công của dự án Nâng cấp, gia cố một số đoạn kè xung yếu trên tuyến đê sông huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) để chủ động ứng phó với tình huống mưa lớn kéo dài do hoàn lưu của bão mạnh và vận hành điều tiết xả lũ của các hồ chứa có thể gây ra lũ trên hệ thống sông.
Tăng cường công tác kiểm tra đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Thông tư số 01/2009/TT- BNN ngày 06/01/2009 và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại văn bản số 739/UBND-VP3 ngày 24/7/2024 về việc tổ chức thực hiện tuần tra canh gác bảo vệ đê điều khi có lũ.
Đối với hệ thống công trình thủy lợi, rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập úng để có phương án tiêu úng cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng; Xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi; Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tình hình hệ thống công trình đê điều, thủy lợi và báo cáo kịp thời các sự cố công trình về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT nông thôn).
Trước đó, ngày 4/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã đi kiểm tra thực địa tại các trọng điểm xung yếu trên tuyến đê biển tại các huyện Giao Thủy và Hải Hậu.
Sau khi kiểm tra, đánh giá, đồng chí Trần Anh Dũng yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến bão số 3 theo nhiệm vụ được phân công.
Tăng cường công tác trực ban, tuần tra, canh gác đê điều theo quy định; phát hiện, báo cáo tình hình, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những sự cố, hư hỏng của đê, kè, cống.
Chỉ đạo vận hành linh hoạt điều tiết nước khi mưa lũ kéo dài, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị để hỗ trợ địa phương ứng phó sự cố, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Hướng dẫn kỹ năng chằng chống nhà cửa an toàn trước bão số 3 Yagi
Đối với nhà mái lá – vách đất, liếp
– Dùng giằng chữ A và dây neo để chống tốc mái, đổ nhà.
– Đặt phên, liếp, lưới mắt cáo lên mái nhà.
– Đặt thanh chặn ngang đè lên phên, liếp.
– Đặt tiếp giằng chữ A cách nhau khoảng 2,5m, buộc thanh chặn ngang vào giằng chữ A.
– Dùng thừng chão, dây thép >4 mm neo giằng theo 2 phương vuông góc nhau vào các cọc đóng sâu xuống đất 1 – 1,5 m.
Đối với nhà có độ dốc mái nhỏ:
– Xếp trực tiếp các bao cát lên mái. Bao cát đóng lỏng, trọng lượng từ 15 – 20 kg đặt ép sát mái lên đầu tấm lợp hoặc mép tiếp giáp của các tấm cách nhau khoảng 1,5m ở vùng giữa mái và khoảng 1m ở vùng quang mái (tốt nhất là đặt gần các xà gồ hoặc vì kèo).
Đối với nhà có độ dốc mái lớn:
– Đặt các bao cát ép sát mái, buộc vào các dây vắt qua đỉnh mái (chống trơn trượt).
– Bao cát đóng lỏng, trọng lượng khoảng 15 – 20 kg, đặt lên đầu hoặc mép tiếp giáp của các tấm cách nhau khoảng 1,5m ở vùng giữa mái, 1,09 m xung quanh mái (tốt nhất gần các xà gồ hoặc vì kèo).
Đối với nhà đã xây mái tôn, fibro xi măng:
– Trường hợp nhà xây tường 20, cửa chắc chắn, kín gió, kèo mái được neo vào tường chắc chắn (nhà có thể chịu được bão cấp 11, giật trên cấp 11): Đặt lên mái các thanh nẹp cách nhau khoảng 1,2 – 1,5 m cho mái fibro xi măng; 1,5 – 2,0 m cho mái tôn tại phần phủ chồng giữa 2 mái.
– Bắn vít cường độ cao, đục lỗ tại đỉnh sóng tấm lợp, xâu thép đường kính 2 mm buộc thanh thép vào xà gồ cách nhau khoảng 0,5 – 0,7 m.
– Thanh nẹp có thể dùng thép thanh đường kính >14 mm, thép góc, gỗ, tre hoặc luồng bổ đôi.
Đối với những nhà đã xây mái ngói:
– Chèn vữa xi măng, cát tỉ lệ 1:3 gắn các viên ngói khoảng 3 – 4 hàng xung quanh mái.
– Xây bờ nóc: Chèn vữa xi măng, cát tỉ lệ 1:3.
– Xây bờ chảy mái: 1 hàng gạch đôi, 1 hàng gạch đơn vữa xi măng cát tỉ lệ 1:3.
– Xây con chạch mái: 1 hàng gạch đơn, vữa xi măng cát tỉ lệ 1:3 cách nhau khoảng 1,5 m.
Đặc biệt, người dân cần lưu ý bịt kín cửa và các khe hở trước khi bão đến. Cần cài chặt các then, chốt cửa đi, cửa sổ, neo cửa bằng đòn tre hoặc gỗ vào tường nhà để phòng gió giật làm bung cửa. Dán cửa kính bằng băng dính bản rộng để giảm thiểu kính vỡ. Bịt các khe hở giữa đỉnh tường và mái, phần chân tường sát đất (đối với nhà vách gỗ, tre), các lỗ thông gió đầu hồi và trên cửa để tránh gió luồn vào nhà gây tốc mái.
Thừa Thiên Huế: Kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào nơi tránh trú bão
Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bão số 3 tuy ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hoàn lưu bão rộng, phạm vi ảnh hưởng về gió mạnh trên biển lớn, nên rất nguy hiểm cho tàu thuyền.
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có 1.884 phương tiện với 10.685 lao động; đến sáng 5/9, vẫn còn 33 phương tiện với 229 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 16 phương tiện với 182 lao động hoạt động ở vùng lộng và vùng khơi khu vực Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế; 17 phương tiện với 47 lao động đang hoạt động vùng bờ. Ngoài ra, có 5 phương tiện ngoại tỉnh với 56 lao động đang neo đậu an toàn. Các phương tiện này đã nắm thông tin về bão số 3.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế cùng các địa phương tăng cường thời lượng thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển nắm rõ thông tin về hướng di chuyển, vị trí và diễn biến của bão số 3. Đồng thời, tổ chức rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển không đi vào khu vực có bão hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các địa phương vùng ven biển cũng đã có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu vực đang neo đậu.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ ngày 5-6/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão.
Các địa phương đã tổ chức rà soát phương án di dời dân ứng phó với bão, nước dâng do bão, theo phương án khi bão số 3 có cường độ mạnh ảnh hưởng cần di dời khoảng 13.510 hộ với 46.073 nhân khẩu đến nơi an toàn.
UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch về dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống lụt bão năm 2024; theo đó, dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền; tại 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, chủ động dự trữ tại chỗ một số mặt hàng thiết yếu như mì ăn liền, xăng dầu, nước uống… để phục vụ người dân trên địa bàn, đề phòng khi bị chia cắt, cô lập.
H.Hà (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị