Chống gian lận thương mại điện tử: Đâu là giải pháp căn cơ?
Gian lận trong thương mại điện tử ngày càng tinh vi
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và đại diện Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ, Tết, kỳ nghỉ dài ngày. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.
Vấn đề gian lận trong thương mại điện tử ngày càng phát triển và hoạt động tinh vi hơn. |
Đáng nói, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao, như: thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm. Chuẩn bị cho Tết Trung thu năm nay, một số tổ chức, cá nhân đã tập trung đưa nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng.
Thay vì trước đây các đối tượng tự vận chuyển, thuê người vận chuyển thì nay được trà trộn trong các kiện hàng và gửi qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán nên rất khó phát hiện.Đề cập vấn đề hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, thời gian qua, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng TMĐT để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Đa số các thương nhân xây dựng nhiều kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn ở các tỉnh, thành phố, giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát. Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau.Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hoá và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng. Do tốc độ lưu chuyển hàng hoá nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hóa tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động.
Đâu là giải pháp hữu hiệu?
Hàng giả, hàng nhái là vấn đề rất nhức nhối của thị trường nói chung cũng như trong TMĐT nói riêng. Thực tế các sàn TMĐT cố chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên đó. Vì thế, các sàn TMĐT làm chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại sản phẩm, hàng hóa. Điều này đã tạo ra tình trạng trong số các sản phẩm hàng hóa đưa lên sàn có rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái. Thêm vào đó, có tình trạng mặc dù không phải là hàng giả, hàng nhái nhưng tiêu chuẩn chất lượng một số mặt hàng không đảm bảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng…
Đề cập đến công tác quản lý đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái trong TMĐT, tại buổi đối thoại “Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT”, ông Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, TMĐT là xu hướng không thể né tránh, mang lại những điều rất tích cực, nhưng cũng có nhiều mặt trái. Nhìn ở tấm “huân chương” hai mặt này, chúng ta cần phải kết hợp nguyên tắc đầu tiên là chống đi đôi với xây. Xây ở đây là khía cạnh nâng cao kiến thức của nhà sản xuất, ý thức của người tiêu dùng, năng lực của nhà quản lý, nghĩa là cần có sự phối hợp của các bên liên quan.Ngay bản thân các cơ quan nhà nước không thể né tránh được, phải phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước hay nhiều cơ quan khác như biên phòng, Bộ Y tế…
Đề cập đến giải pháp phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong không gian mạng, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT, cho biết, cần phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp… và cả người tiêu dùng. Chúng ta phải xây mới chống được, trước mắt thì chống nhưng về lâu dài phải xây dựng nền tảng TMĐT vững chắc, lựa chọn đơn vị điển hình để đẩy lùi các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Về giải pháp căn cơ, theo ông Nguyễn Đức Lê, đầu tiên phải xây dựng thể chế, nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới đối với nền kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng, nghĩa là phải có khung pháp lý bắt kịp hơi thở của thời đại 4.0. Từ xây dựng cơ sở pháp lý đó, các bộ, ngành liên quan mới có căn cứ để vào cuộc. Bên cạnh đó, phải xây dựng lực lượng chức năng chuyên trách, vì vấn đề này đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật rất lớn, không đơn thuần như thương mại truyền thống. Tiếp theo, cần tuyên truyền để không những cơ quan chức năng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp biết được vai trò của mình ở đâu, cần phải làm gì, từ đó mới ngăn chặn, đẩy lùi, dần xóa bỏ các hành vi kinh doanh hàng giả, buôn lậu trên không gian mạng.
“Với lực lượng QLTT, chúng tôi đã ban hành kế hoạch với những mục tiêu cụ thể để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ không những trong thương mại truyền thống mà cả ở không gian TMĐT… Với người tiêu dùng, không chỉ trong TMĐT mà trong quá trình mua hàng hóa nếu gặp các trường hợp hàng giả, hàng kém chất lượng thì hãy phối hợp với các cơ quan chức năng, hoặc gọi điện đến các đường dây nóng để chúng tôi tiếp nhận thông tin xử lý kịp thời, nhằm ngăn chặn các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm”, ông Nguyễn Đức Lê cho hay.
Tuấn Minh
Nguồn: Báo lao động thủ đô