Bạc Liêu: Phát hiện gần 2.700 quyển sách giáo khoa có dấu hiệu làm giả
Theo đó, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp Đội Kiểm tra liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh Bạc Liêu thành lập đoàn kiểm tra hành chính các nhà sách trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2 nhà sách trên địa bàn Phường 1, thành phố Bạc Liêu và Phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai kinh doanh 2.682 quyển sách giáo khoa, sách bài tập không có hóa đơn, chứng từ, chưa được kiểm duyệt nội dung, có dấu hiệu làm giả sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ 2 cơ sở nêu trên, đồng thời tạm giữ toàn bộ số sách này để xử lý theo quy định pháp luật.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Chí Bính, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cho hay, trên thực tế, in lậu và buôn bán sách kém chất lượng ở Việt Nam đã tồn tại nhức nhối nhiều năm qua, thậm chí ngày càng tinh vi, phát triển ở quy mô lớn. Sách giả, sách lậu kém chất lượng đang được bày bán ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn. Sự phát triển của thương mại điện tử cũng có thể sẽ tạo động cơ cho vấn nạn buôn bán sách lậu, sách giả xảy ra trên không gian mạng. Chế tài xử lý vi phạm trong việc buôn bán, sử dụng sách lậu còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Cần có chế tài xử lý mạnh hơn về nạn buôn bán sách lậu, sách giả hay gọi chung là xuất bản phẩm lậu.
Gần đây, vấn nạn sách giả trên không gian mạng ngày càng phát triển. Bên cạnh những mặt tích cực do công nghệ 4.0 mang lại, đối tượng cũng lợi dụng không gian mạng để bán sách giả cũng không ít.
Hình thức thứ nhất là bán sách in giả trên mạng. Sách giả sau khi in xong, thay vì bày bán ở cửa hàng dễ bị kiểm tra, các đối tượng rao bán trên mạng. Cách này khiến người mua cũng như cơ quan chức năng khó phân biệt được sách thật – giả. Chỉ sau khi đặt mua, kiểm tra sách mới biết đó là sách giả.
Hình thức thứ hai là bán sách điện tử giả, copy nội dung sách điện tử thật của nhà xuất bản. Hình thức này thường được gọi là xâm phạm bản quyền. Với sự phát triển của công nghệ, hình thức này đang bùng phát mạnh và cũng có nhiều cấp độ, có khi lấy từng phần, có khi lấy nguyên cuốn sách.
Cũng theo ông Bính, NXBGDVN đã thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn sách giả bán trên thị trường như sau: Duy trì yêu cầu chuẩn mực cao và tính chính xác đối với chất lượng nội dung và hình thức, mẫu mã sách của NXBGDVN. Áp dụng công nghệ mới để ngăn ngừa sách giáo dục giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (như tem chống giả đặc thù, tem công nghệ mới dán trên xuất bản phẩm để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật sách giả…).
Phối hợp chặt chẽ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền địa phương… để phát hiện, xử lý các hành vi in và phát hành sách giả.
Gửi công văn tới Sở GD&ĐT các địa phương thông tin về hệ thống phát hành chính thức của NXBGDVN tại các tỉnh; khuyến cáo giáo viên, phụ huynh, học sinh mua sách tại hệ thống phân phối chính thức của NXBGDVN. Thực hiện Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Cuối cùng là kiến nghị các hành vi in và phát hành sách lậu, hay gọi tên đúng hơn là sách giả, cần được xử lý theo điều 192 Bộ Luật Hình sự về tội danh sản xuất và buôn bán hàng giả.
Bên cạnh đó, NXBGDVN khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và học sinh tìm mua sách tại hệ thống phân phối chính thức của NXBGDVN, các công ty Sách – Thiết bị trường học địa phương, không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải sách in lậu, sách giả, sách kém chất lượng.
An Nguyên