Tiêu chuẩn hóa – công cụ và phương tiện duy trì các chuẩn mực trong quan hệ kinh tế, thương mại
Những thành tựu trong hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) là cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội, hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trở thành một bộ phận không thể tách rời của hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế-xã hội trên tiến trình hội nhập sâu rộng vào các thị trường quốc tế hiện nay. Tiêu chuẩn là công cụ và phương tiện quan trọng để đảm bảo duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại trong nước và quốc tế.
Hệ thống TCVN được phát triển theo hướng tăng cường hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến (ưu tiên cam kết hài hòa tiêu chuẩn trong ISO, IEC, ITU, Codex, CEN/CENELEC, APEC)… đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu theo TCVN cũng có chất lượng tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn châu Âu và các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản… được thị trường thế giới chấp nhận.
Bên cạnh đó, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế là một công cụ quản lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế về quản lý sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định, xây dựng, triển khai hiệu quả các chính sách công và các chương trình mục tiêu quốc gia, như chương trình hiệu suất năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống (khí thiên nhiên CNG/LNG, pin mặt trời, nhiên liệu sinh học…), thúc đẩy sử dụng, nhiên liệu tái chế giảm ô nhiễm môi trường sinh thái (tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất làm nguyên liệu vật liệu xây dựng, giao thông vận tải), phục vụ công tác đo kiểm, đánh giá, xử lý ô nhiễm (như xử lý ô nhiễm tại các khu công nghiệp tập trung sản xuất thép, nguyên liệu dệt may – da giầy…) là những vấn đề được nhà nước, xã hội, người dân quan tâm.
Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế là một công cụ quản lý hiện đại. Ảnh minh họa
Việc xây dựng và công bố TCVN trong những năm qua đã giúp cho hệ thống TCVN ngày càng được hoàn thiện mà cụ thể là tăng cả về số lượng, chất lượng và đảm bảo tính đồng bộ.
Đến nay, Bộ KH&CN đã công bố hơn 13.000 TCVN với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực là hơn 60%, đã bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc và quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.
Hệ thống TCVN cũng đã hỗ trợ trong công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Đến nay, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành khoảng 800 QCVN. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc này đã trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.
Định hướng xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong thời gian qua hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 diễn biễn phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội…
Mặt khác, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới suy giảm, nhiều nước tăng cường các biện pháp kỹ thuât bảo hộ thương mại trong nước thông qua xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thế hệ mới với nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn, gây khó khăn cho hàng hóa nhập khẩu.
Nhận thức được thách thức này, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ 2021 – 2030 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ đối với ngành khoa học và công nghệ nói chung và tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói riêng nhiệm vụ: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL định hướng hoạt động tiêu chuẩn hóa cấp quốc gia trong thời gian tới là rất cần thiết. Thứ nhất, xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến 2030. Trong đó, nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng tận dụng tối đa các thuận lợi của Việt Nam trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới. Tạo lập hạ tầng tiêu chuẩn tiên tiến, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất phục vụ cộng đồng doanh nghiệp đi tắt đón đầu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và Liên hiệp quốc.
Thứ hai, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, gắn chặt với Doanh nghiệp, lấy Doanh nghiệp làm trung tâm: Xây dựng các nhóm TCVN cốt lõi phục vụ trực tiếp cho hoạt động của doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế hỗ trợ, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp trực tiếp xây dựng TCVN nhằm hướng hệ thống TCVN gắn kết hữu cơ hơn với nền kinh tế thị trường, đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi khách quan từ thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường nguồn lực Tiêu chuẩn hóa quốc gia: Đổi mới tổ chức, hoạt động Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, cải tiến quy trình xây dựng, thẩm định, công bố TCVN. Tăng cường áp dụng các công cụ, giải pháp CNTT vào hoạt động ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia gắn kết với Ban kỹ thuật của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế; đẩy mạnh biện pháp bảo vệ bản quyền tiêu chuẩn quốc tế, xuất bản phát hành TCVN; Tăng cường hợp tác đa phương, khu vực, song phương (ISO, IEC, ITU, Codex, APEC, ASEAN, PASC…) trong hoạt động xây dựng tiêu chuẩn;
Tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia trẻ về tiêu chuẩn hóa để chuẩn bị lực lượng kế cận cho cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, các ban kỹ thuật, doanh nghiệp, đồng thời kết hợp kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực tham gia đào tạo và xây dựng tiêu chuẩn.
Hà My