TP Đồng Hới (Quảng Bình): Diện mạo mới sau 20 năm xây dựng và phát triển

(Xây dựng) – Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Đồng Hới luôn đảm bảo sự ổn định, tăng trưởng liên tục qua các năm; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, tạo dấu ấn đậm nét trong quy hoạch và phát triển đô thị.

TP Đồng Hới (Quảng Bình): Diện mạo mới sau 20 năm xây dựng và phát triển
Biển Nhật Lệ luôn thu hút du khách khi đến Đồng Hới.

Diện mạo mới sau hai thập kỷ

Ngày 16/8/2004, thị xã Đồng Hới được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, sự kiện trọng đại trên đã ghi dấu ấn quan trọng đối với Đảng bộ và Nhân dân TP Đồng Hới. Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, trải qua hai thập kỷ xây dựng và phát triển, đến nay, TP Đồng Hới vươn lên thành đô thị năng động, sáng tạo, văn minh, diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, hiện đại. Kinh tế phát triển nhanh và toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành dịch vụ phát triển mạnh, du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu ngân sách hàng năm đạt và vượt dự toán giao; Thu nhập bình quân đầu người năm 2004 được 8,7 triệu đồng, năm 2024 đạt khoảng 89,5 triệu đồng.

Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, lượt khách đến tham quan năm 2004 đạt 427.864 lượt khách, năm 2024 đạt 1.550.000 lượt khách, bình quân hàng năm giai đoạn 2004 – 2024 tăng 6,63%/năm.

Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thành phố đã chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện 6 cụm công nghiệp và 1 cụm tiểu thủ công nghiệp có tổng diện tích đất theo quy hoạch là 66,7 ha. Năm 2004, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.170 tỷ đồng, năm 2024 đạt khoảng 4.700 tỷ đồng, tổng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2004 – 2024 đạt 29.877 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 7,22%.

Những năm gần đây, với việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương về phát triển du lịch, đặc biệt là Chương trình hành động số 04-CTr/TU về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 – 2025; thành phố đã phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo sự kết nối với các địa phương, phát triển du lịch thành ngành kinh tế động lực. Các sản phẩm, loại hình du lịch mới được đa dạng hóa, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của du khách.

Phát triển thành đô thị xứng tầm khu vực

Năm 2014, TP Đồng Hới được Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Bình. Để đạt được kết quả này, công tác quy hoạch được thực hiện nghiêm túc, mang lại các kết quả tích cực trong công tác quản lý quy hoạch, thu hút đầu tư; quản lý đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn. Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng TP Đồng Hới và vùng phụ cận đã tập trung xây dựng quy hoạch phân khu phát triển đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc thành phố nhằm định hướng phát triển đô thị đồng bộ, bền vững.

Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cấp, chỉnh trang đô thị được tập trung thực hiện có hiệu quả, hạ tầng đô thị ngày càng hoàn thiện theo hướng đồng bộ và hiện đại. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2004 – 2024 đạt gần 62.200 tỷ đồng. Ưu tiên đầu tư các công trình tạo động lực phát triển, dự án trọng điểm tạo đột phá tăng trưởng kinh tế – xã hội của thành phố. Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng, đưa vào sử dụng trên địa bàn đã phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và tạo diện mạo mới cho thành phố như: Cầu Nhật Lệ 2, Quảng trường Hồ Chí Minh, Quảng trường biển Bảo Ninh, đường Võ Nguyên Giáp… Hệ thống cấp nước, công viên, vườn hoa, quảng trường được chú trọng nâng cấp, cải tạo.

Bên cạnh đó, công tác quản lý và phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn được quan tâm, khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, máy móc, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2004 đạt 389 tỷ đồng, năm 2024 đạt khoảng 754 tỷ đồng, cả giai đoạn 2004 – 2024 đạt 6.419 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,36%.

Ngoài ra, TP Đồng Hới đã thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-HĐND về Đề án phát triển chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030; xây dựng Đề án xây dựng đô thị thông minh thành phố, giai đoạn 2021 – 2024. Tháng 01/2022, thành phố đã đưa vào vận hành chính thức Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố, là một trong những hạng mục quan trọng của đề án. Trung tâm được đầu tư đồng bộ và hiện đại về cơ sở vật chất, với nhiều phân hệ, chức năng, nổi bật như: Giám sát, điều hành phát triển kinh tế – xã hội; quản lý quy hoạch và hạ tầng đô thị; giám sát, điều hành an ninh trật tự công cộng; giám sát an toàn giao thông…

Phát triển ứng dụng công dân thông minh “Donghoi Smart City” trên điện thoại di động, đã cung cấp kênh giao tiếp của người dân đối với chính quyền và các cơ quan chức năng. Ứng dụng được người dân rất quan tâm, cài đặt và sử dụng với trên 41.000 tài khoản, có hơn 743 ý kiến phản ánh của người dân gửi về trung tâm điều hành; các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương đã kiểm tra, giải quyết, trả lời, hướng dẫn đối với 708 ý kiến, đạt 95,29%.

“Thời gian qua, Đồng Hới tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 03-CTr/TU ngày 11/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về thực hiện văn minh đô thị Đồng Hới, giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết 05-NQ/TU của Thành ủy Đồng Hới về Bảo tồn và phát triển văn hóa đô thị Đồng Hới đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030. Hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II theo hướng phát triển bền vững, hiện đại. Xây dựng TP Đồng Hới trở thành thành phố du lịch, giàu đẹp, văn minh và là trung tâm lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của vùng Bắc Trung Bộ” – ông Hoàng Ngọc Đan – Chủ tịch UBND TP Đồng Hới cho biết.

Ông Hoàng Ngọc Đan cho biết: “Với mục tiêu phát triển mạnh các ngành dịch vụ, coi phát triển dịch vụ là lĩnh vực đột phá của nền kinh tế thành phố, trong đó phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; thành phố đã định hướng và chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện thương mại, dịch vụ phát triển, mở rộng về quy mô, bước đầu phát huy được tiềm năng và lợi thế của địa phương”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích