Diện mạo Sóc Trăng hôm nay

(Xây dựng) – Nhìn hình ảnh phố chợ, đường phố, sinh hoạt của người dân Sóc Trăng thời Pháp thuộc so với hình ảnh hôm nay đã quá nhiều đổi thay. Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh (4/1992 – 4/2024), diện mạo tỉnh Sóc Trăng đã nhiều khởi sắc. Tại Lễ kỷ niệm 30 năm tái thành lập tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Nhìn lại chặng đường phát triển sau 3 thập niên tái lập, mới thấy tỉnh Sóc Trăng phát triển vượt bậc từ nhiều khó khăn. Thời điểm mới tái lập, Sóc Trăng là một tỉnh nghèo của vùng ĐBSCL, thu ngân sách hàng năm chỉ khoảng 45 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,3 triệu đ/năm. Nền kinh tế thuần nông, chủ yếu là sản xuất một vụ lúa với 2/3 diện tích bị nhiễm phèn và xâm nhập mặn, tổng sản lượng lúa chỉ khoảng 800.000 tấn. Các ngành kinh tế khác chiếm tỷ trọng rất thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội rất yếu kém. Toàn tỉnh có trên 2/3 số phòng học là tre lá và học 3 ca/ngày, đặc biệt là thiếu hụt trầm trọng lực lượng giáo viên và đội ngũ y – bác sĩ.

Diện mạo Sóc Trăng hôm nay
Sóc Trăng thời Pháp thuộc.

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, trải qua 30 năm, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Kinh tế liên tục tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 13%. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2021 tăng 38 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 35 lần so với năm 1992. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực I, tăng dần khu vực II, khu vực III.

Các ngành kinh tế chủ yếu có sự phát triển một cách nhanh chóng. Sản lượng lúa năm 2021 đạt trên 2 triệu tấn, là 1 trong 5 tỉnh có sản lượng lúa cao nhất cả nước. Tổng sản lượng thủy sản tăng gần 13 lần so với năm 1992. Đặc biệt là giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, đứng thứ hai cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 95 lần so với năm 1992.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng luôn được triển khai tích cực, đầy đủ, kịp thời. Mạng lưới trường học được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đến nay, toàn tỉnh có số trường học tăng gấp 2 lần so với năm 1992, với hơn 76% trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế được củng cố, hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế là 100%.

Diện mạo Sóc Trăng hôm nay
TP Sóc Trăng có nhiều đổi thay, là đô thị loại II tỉnh Sóc Trăng và đang phấn đấu thành đô thị loại I.

Hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp, từng bước đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn. Mạng lưới viễn thông được phủ kín 100% xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, Sóc Trăng là 1 trong 17 tỉnh được triển khai mạng 5G. Đến cuối năm 2021, có 72% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…”.

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (27/4/2022). Thay mặt lãnh đạo Đảng và Chính phủ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Sóc Trăng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Sóc Trăng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của cả nước.

Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030, là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích