Thừa Thiên – Huế: Chuẩn bị hình thành Khu du lịch sinh thái rộng khoảng 495ha
(Xây dựng) – Ngày 20/10, Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế cho biết, đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ (huyện Phong Điền) với diện tích khoảng 495ha.
Khu vực Công ty Cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa khai thác cát trắng vừa bị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành quyết định thu hồi đất. |
Phạm vi lập quy hoạch thuộc địa bàn các xã Phong Chương và Phong Bình (huyện Phong Điền). Khu vực lập quy hoạch có diện tích khoảng 495ha, phần lớn là đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, đất nông nghiệp, đất nghĩa địa, đất mặt nước và đất chưa sử dụng.
Riêng khu vực dọc sông Bình Chương có một số hộ dân. Ngoài ra, trong phạm vi nghiên cứu có khu vực khai thác cát của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa hiện tỉnh đã có chủ trương thu hồi và đưa vào quy hoạch dự trữ. Mục tiêu quy hoạch khu du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn liền với đặc thù cảnh quan môi trường của các hồ nước xen lẫn vùng cát nội đồng với hệ sinh thái động thực vật phong phú đa dạng…
Khu bảo tàng thiên nhiên nhằm bảo vệ gìn giữ các loại động thực vật đặc trưng của các vùng hồ nước và vùng cát nội đồng Phong Điền để khách du lịch được tham gia các hoạt động du lịch khám phá và trải nghiệm. Khu sân golf xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế; Khu biệt thự du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với cơ cấu biệt lập, kết nối với các không gian xanh, sân thể dục thể thao, cây xanh và mặt nước.
Phạm vi lập quy hoạch thuộc địa bàn các xã Phong Chương và Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. |
Khu dịch vụ trị liệu; Khu nhà điều hành, kỹ thuật, phụ trợ; Khu cây xanh cách ly và khu nông trại các loại cây thuốc nam đặc trưng của địa phương; Đất mặt nước cảnh quan; Đất giao thông, bãi đỗ xe và hạ tầng kỹ thuật đầu mối.
Khai thác tối đa các yếu tố địa hình, cảnh quan tự nhiên, giữ gìn hệ động thực vật sinh thái bản địa. Hình thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các kiến trúc gần gũi, thân thiện với môi trường, ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương và kiến trúc xanh, kiến trúc truyền thống. Ưu tiên phát triển không gian bảo tồn hệ sinh thái, nuôi trồng các loại cây thuốc có giá trị, khai thác du lịch trải nghiệm.
Kiểm soát hình thái không gian kiến trúc cảnh quan các công trình điểm nhấn, công trình biểu tượng. Kiểm soát tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tỷ lệ diện tích cây xanh, không gian công cộng, các trục giao thông chủ đạo.
Phát triển không gian đặc thù, không gian cảnh quan của khu du lịch, không gian cảnh quan sinh thái có mật độ xây dựng nhà ở thấp với kiến trúc hài hòa, gắn kết với địa hình, cảnh quan tự nhiên.
Tuân thủ cao độ khống chế xây dựng và hài hòa với các khu vực đã xây dựng liền kề. Đảm bảo thoát nước mưa, hạn chế ngập lụt do lũ lụt, sạt lở, động đất. Khu vực cao độ san nền thấp dần về phía khu vực đầm phá. Quy định về quản lý, kiểm soát cao độ san nền: tôn trọng địa hình và tính chất tự nhiên từng vùng. Các công trình mới xây dựng hoặc cải tạo phải đảm bảo cao hơn mặt đường khoảng 0,30-0,50m.
Nguồn: Báo xây dựng