Vĩnh Phúc: Phát triển mạng lưới giao thông
(Xây dựng) – Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống giao thông, tạo sự kết nối liên vùng, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Cầu vượt đường Nguyễn Tất Thành đang được đơn vị thi công hoàn thiện các hạng mục sớm đưa vào sử dụng. |
Tạo kết nối đồng bộ, thông suốt
Khai thác lợi thế nằm liền kề Thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài và trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời ban hành và điều chỉnh các quy hoạch phát triển giao thông phù hợp với từng thời kỳ. Chẳng hạn như Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 1997 – 2010; Quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải đường bộ giai đoạn 2003 – 2010 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển giao thông Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2024 – 2030… Tập trung các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT, PPP, BT, BTO…
Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc có cả 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Trong đó, tuyến đường sắt cấp quốc gia chạy qua dài khoảng 35 km, kết nối tỉnh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc đi Vân Nam, Trung Quốc. Đường bộ có đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và tuyến QL2, tuyến tránh QL2B, QL2C tổng chiều dài gần 160 km; 17 tuyến đường nội tỉnh tổng chiều dài hơn 370 km. Cùng 5 tuyến đường vành đai dài hơn 255 km được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành phố mà còn hình thành liên kết vùng, tạo sức bật, động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
Theo báo cáo của Sở GTVT, giai đoạn 2021 – 2030, Vĩnh Phúc dành khoảng 50.000 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông từ nguồn ngân sách. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã phân bổ gần 4.200 tỷ đồng cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông do cấp tỉnh quản lý. Cụ thể, năm 2021 đã giao hơn 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 99% tổng nguồn vốn giao; năm 2022 giao hơn 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt hơn 98%; năm 2023 giao hơn 1.600 tỷ đồng, giải ngân đạt gần 100%. Năm 2024, tỉnh bố trí gần 1.400 tỷ đồng cho 7 công trình thuộc lĩnh vực hạ tầng xã hội và 9 dự án lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông như: Đường hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh; dự án mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh; dự án đường song song đường sắt Hà Nội – Lào Cai, đoạn từ đường Hợp Thịnh – Đạo Tú đến ĐT.304 kéo dài…
Từ việc chú trọng công tác quy hoạch, ưu tiên nguồn lực đầu tư, nhiều dự án giao thông lớn, trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh được triển khai, đề xuất đầu tư, tạo kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh như: Vành đai 3 đoạn Hương Canh – Yên Lạc; đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (khu vực xã Văn Quán) đến trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi KCN Sông Lô I. Hay dự án đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ QL2 tránh TP Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3; đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với QL2B đến Tây Thiên, đi QL2C và Tuyên Quang; Đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Vành đai 4 đi đê tả sông Hồng…
Điểm nhấn trong phát triển giao thông từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay là xây dựng 2 cây cầu. Một là cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô được thông xe từ cuối tháng 8/2023, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân mà còn tạo bước đột phá trong giao thương, phát triển kinh tế – xã hội giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc – Phú Thọ. Hai là dự án cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, TP Vĩnh Yên.
Hạ tầng giao thông được đầu tư, xây dựng với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng đã giúp Vĩnh Phúc tạo ra các lợi thế cạnh tranh về hạ tầng cơ sở trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đưa kinh tế – xã hội của tỉnh ngày càng phát triển và chuyển dịch đúng hướng.
Riêng 6 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của năm 2024, với GRDP đạt 6,26%, đứng thứ 9/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 32/63 tỉnh, thành; thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2024 đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút đầu tư FDI nhiều khởi sắc, 7 tháng năm 2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và tăng vốn đầu tư cho 52 dự án FDI với tổng vốn 473 triệu USD; cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 17 dự án DDI với tổng vốn 3.502 tỷ đồng…
Dự án cầu Vĩnh Phú nối hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hoàn thành, đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân. |
Xây dựng các tuyến đường mới
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn tới, Vĩnh Phúc sẽ tập trung phát triển mạng lưới giao thông có tính chất đối ngoại, kết nối liên vùng, tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội, du lịch, dịch vụ. Đó là phát triển giao thông kết nối tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng mới; tuyến đường tránh QL2C mới kết nối với TP Tuyên Quang; đường trục Đông – Tây kéo dài kết nối với trục TD7 đi Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội; đường trục xuyên tâm phía Đông kết nối với TP Hà Nội, phía Tây kết nối với TP Việt Trì; trục Bắc – Nam tỉnh kết nối với trục Bắc – Nam của TP Hà Nội qua cầu Vân Phúc; cầu Hải Lựu kết nối với tỉnh Phú Thọ…
Bám sát mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong Quy hoạch tỉnh, Sở GTVT sẽ tham mưu tỉnh và chủ trì phối hợp với các ngành rà soát, bổ sung quy hoạch, trong đó tập trung đầu tư các tuyến đường trọng điểm, trục chính kết nối với các tỉnh lân cận. Cùng với đó, tham mưu xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông, tạo sự kết nối liên vùng, gắn kết giữa các địa phương. Hoàn thiện cơ chế điều phối, nâng cao chất lượng, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, huy động và sử dụng nguồn lực đất đai…
Ông Lê Ngọc Minh – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Dự án cầu vượt trên đường Nguyễn Tất Thành khởi công từ tháng 12/2022. Đến nay, đơn vị thi công đang tập trung hoàn thiện nốt các hạng mục cuối cùng ở 2 bên đầu cầu, hệ thống lan can, hành lang bảo vệ an toàn giao thông, mặt đường… hoàn thành trong tháng 9 để sớm đưa vào sử dụng.
Cùng với chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án giao thông đã được khởi công xây dựng, nhất là đang chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công một số dự án giao thông lớn, trọng điểm như: Dự án tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc; dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Kim Ngọc với đường sắt Hà Nội – Lào Cai; dự án đường Vành đai 4 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đoạn từ QL2 đi ĐT.305…
Đồng thời, tham mưu tỉnh trình Chính phủ, trình Quốc hội sớm thông qua nghị quyết thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách quy định tại các Luật để đầu tư các dự án giao thông, tạo điều kiện cho Vĩnh Phúc được phép đầu tư mở rộng một số tuyến quốc lộ trọng yếu qua địa bàn, góp phần hiện thực mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có vai trò trung tâm trong phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng, xứng tầm trong khu vực và cả nước, bảo đảm tầm nhìn, định hướng phát triển đến năm 2050.
Giai đoạn 2021 – 2030, Vĩnh Phúc dành khoảng 50.000 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông từ nguồn ngân sách. Tập trung phát triển mạng lưới giao thông có tính chất đối ngoại, kết nối liên vùng, tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội, du lịch, dịch vụ. |
Nguồn: Báo xây dựng