Hàng rong – Lấp lánh những phận người
Sắp đến ngày 20/10, Thư ký tòa soạn nói tôi làm chùm ảnh chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam quá xứng đáng để được tôn vinh, về cả phẩm hạnh và nhan sắc, về cả trí tuệ và bản lĩnh, về cả tâm hồn và nghị lực, nói chung là đủ cả công dung ngôn hạnh cộng thêm bản lĩnh và trí tuệ của thời đại mới. Mà không phải chỉ tôn vinh trong ngày 20/10 hay ngày 8/3, mà là suốt cả 365 ngày trong năm.
Phụ nữ cũng được tôn vinh là phái đẹp, gắn liền với các loài hoa.
Nhưng ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ gắn với các loài hoa hay thiếu nữ bên các bông hoa nhiều người đã làm; ngay bản thân tôi nhân Ngày 8/3 năm nay cũng đã làm chùm ảnh “Tháng ba – Phụ nữ và Hoa”… Vậy lấy hình ảnh nào để tôn vinh các bà, các mẹ, các chị em nhân Ngày 20/10 năm nay?
Tôi chợt nhớ thành phố những ngày giãn cách trong đại dịch toàn cầu Covid-19, chốt xanh chốt đỏ bịt bùng các ngõ ngách, đường phố vắng tanh… Cuộc sống đột ngột ngừng chảy, những điều đơn giản nhất, bình thường nhất bỗng trở nên xa vời. Người ta bỗng thèm ngồi vỉa hè húp sụp soạt một bát phở tái nạm gàu giòn, thèm chạm nhau một cốc bia hơi, thèm được tự do đi lại và cả thèm được nhìn nhau không qua lớp khẩu trang.
Đường phố, con ngõ ban ngày đã vắng, ban đêm càng vắng vẻ hơn. Con người rơi vào cảm giác chơi vơi, hơi thở cứ hụt hẫng như thiếu dưỡng khí. Và tôi chợt nhận ra trong đêm vắng, cuộc sống bỗng trở nên chênh vênh, không còn sinh khí khi thiếu… tiếng rao hàng rong…
“Ai khúc…. đơi…”, “Ai xôi đỗ, xôi lạc, xôi xéo đơi…”, “Ai bánh bao bánh đúc đơi…”… Và đơn giản: “Ai ngô nướng đơi…”.
Và khi thành phố hết giãn cách, các chốt xanh chốt đỏ mở thông, thì tiếng rao hàng rong đầu tiên bỗng trở thành tín hiệu bình yên đủ cho lòng người ấm lại.
Có tiếng người bán hàng rao, có tiếng rao qua loa của thời công nghệ, nhưng cho dù là tiếng rao đã được nhân bản thì tôi vẫn cứ hình dung ra những phận người lấp lánh sau lời rao ấy. Thế là tôi nhận lời thư ký tòa soạn làm chùm ảnh về những người đàn bà bán hàng rong ngoài phố thị.
Thực ra, có cả những người đàn ông bán hàng rong, nhưng nói đến hàng rong thì thường người ta nghĩ ngay đến những người đàn bà, và trong thực tế thì phần đông người bán hàng rong đều là các bà, các chị ở quê ra.
Chẳng biết tự bao giờ, cái câu “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố” đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân nông thôn. Mà quả thực, ngày trước người nông dân phải bám lấy nông nghiệp vì chính sách lương thực do Nhà nước quản lý; còn bây giờ, có tiền là có tất cả, muốn đong bao nhiêu thóc gạo chẳng có. Mà bây giờ, làm nông nghiệp manh mún, để làm được ra tấn thóc phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, cộng thêm tiền giống má, phân gio, thuốc trừ sâu, cày bừa cấy hái rồi còn phải “trông trời, trông đất, trông mây”…
Trong khi đó, nhà máy về tận làng, thanh niên “đi công ty” lương tháng cũng đủ đong tấn thóc, cấy hái làm gì cho mệt. Nhưng còn những người đàn bà không nghề ngỗng gì, lại đã đứng tuổi, công ty không tuyển, vả lại đã quen chân chạy rồi, ngồi công ty gò bó lắm. Thế là rủ nhau chạy ra tỉnh, kẽo kẹt đôi quang gánh hoặc chiếc xe đạp cũ kỹ và trở thành những người bán hàng rong.
Thôi thì đủ cả, mùa nào thức ấy, gặp gì bán nấy, nhưng nhiều nhất là hàng quà, hoa quả, hàng ăn, thực phẩm, đồ la ghim, gia dụng… Ở Sài Gòn tôi để ý hàng rong thường là xe đẩy tay hoặc xe lôi. Còn ở Hà Nội chủ yếu là quang gánh. Mà không hiểu sao đối với tôi, đã là hàng rong thì phải quang gánh mới ra hàng rong. Các bà các cô vấn vít đôi quang mây, quang song, chiếc đòn gánh tre uốn cong thấm đẫm mồ hôi lên nước vàng óng, chiếc nón lá bạc màu mưa nắng và chân đi đôi giày ba ta hay đôi sục, dép lê – đó là biểu tượng của những người đàn bà bán hàng rong. Và chỉ cần đôi quang gánh với chiếc nón lá là đã đủ cho ta hình dung về những người đàn bà bán hàng rong. Nhưng sau đôi quanh gánh ấy là cả một thân phận, một kiếp người, là cả một gia đình với đủ nỗi gồng gánh lo toan và hạnh phúc…
Những gánh hàng rong theo bước chân của những người đàn bà dân quê đi dọc các con phố lớn nhỏ, len lỏi vào ngõ ngách. Những người đàn bà dậy sớm đi lấy hàng, rong ruổi dọc ngang các con phố cổ với món quà sáng còn nóng hổi hương quê.
Rồi mớ rau con cá, hoa quả theo mùa phục vụ đến tận cửa. những người dân phố cổ và cả phố cũ chỉ cần ngồi bán hàng trước cửa nhà là có thể mua sắm đủ cho bữa ăn của cả nhà cho một ngày mà chả cần bước chân đến chợ. Muốn ăn những thứ đặc sản cũng chỉ cần dặn trước là hôm sau thế nào cũng có. Tiện là thế nên đã bao lần thành phố cấm hàng rong, quy hoạch hàng rong…, nhưng rồi thì hàng rong vẫn tung tẩy. Mà quả thực, ở Tây không biết thế nào, chứ ở ta mà vắng bóng hàng rong thì những con phố cổ cũng mất đi một phần hồn cốt.
Không hiểu sao khi bắt gặp những người bán hàng rong, tôi lại cứ liên tưởng đến câu thơ của nhà thơ Tú Xương trong bài “Thương vợ”:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông…
Suốt ngày rong ruổi trên đôi chân vạn dặm, tối lại về nơi xóm trọ ngoài đê nằm ngủ tràn lan trên những tấm sạp kê dọc lối đi, quang gánh nhét dưới gầm hoặc dựng nơi góc nhà để sáng sau lại bắt đầu hành trình của một ngày mới… Mưa nắng, gió rét không nề hà nhưng càng làm cho gương mặt hằn thêm những nếp thời gian.
Bây giờ, phụ nữ Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, làm chủ cuộc đời mình và đóng góp to lớn cho đất nước, cho xã hội. Nhưng những người đàn bà bán hàng rong dù có nằm trong góc khuất thì vẫn là hình ảnh không thể thiếu của người phụ nữ Việt. Hình ảnh ấy vừa diễn tả đủ nết chịu thương chịu khó, vất vả lam lũ, lại cũng vừa là biểu tượng của một người mẹ, người vợ tảo tần, thu quén đủ giữ cho căn bếp luôn đỏ lửa, tỏa ấm tình yêu thương trong mỗi nếp nhà.
Và khi nhìn những gánh hàng hoa, những chiếc xe hoa bán rong của các chị, các cô tỏa sáng cả góc phố, tôi chợt nhận ra, những người đàn bà bán hàng rong không chỉ nuôi sống mà còn làm đẹp cho đời.