Nghi vấn về chất lượng các loại thịt nhập ngoại đổ bộ thị trường với giá siêu rẻ
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Hiện nay, sản lượng thịt sản xuất trong nước đáp ứng được 95% sức tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, theo ước tính, trong 8 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi ra gần 1,08 tỷ USD để nhập khẩu thịt và các phụ phẩm ăn được. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng này tăng mạnh 20,3%. Còn so với con số xuất khẩu 105 triệu USD, nước ta đang nhập siêu khoảng 970 triệu USD các loại thịt và phụ phẩm ăn được từ động vật.
Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt, phụ phẩm từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ, Nga, Brazil, Đức, Canada, Mỹ, Tây Ban Nha, Ba Lan… là nguồn cung chủ yếu các sản phẩm từ chăn nuôi cho nước ta trong 8 tháng vừa qua. Theo đó các sản phẩm thịt nhập khẩu bao gồm thịt lợn, thịt trâu bò, gia cầm tươi và đông lạnh; nhập khẩu các phụ phẩm ăn được của động vật như chân gà, cổ gà, da gà, tim cật, lòng mề…
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá lợn hơi ở các quốc gia là nguồn cung cho Việt Nam ở mức khá thấp. Cụ thể, tại Nga, Brazil, Canada, giá mặt hàng này chỉ ở mức 34.100-34.200 đồng/kg; tại Mỹ là 38.400 đồng/kg… Do đó, mức giá bình quân thịt lợn nhập khẩu chỉ 52.000-55.000 đồng/kg.
Thịt ngoại nhập khẩu tăng nhanh gây ra nghi vấn về chất lượng. Ảnh: VietNamnet
Mức giá thịt lợn nhập khẩu khiến nhiều người tiêu dùng choáng váng. Bởi, giá lợn hơi xuất chuồng ở nước ta dao động 61.000-67.000 đồng/kg; các sản phẩm thịt lợn trên thị trường có giá phổ biến 120.000-250.000 đồng/kg tuỳ loại. Tương tự, các mặt hàng thịt gia cầm nhập khẩu cũng đổ bộ thị trường Việt với giá rẻ như cho.
Thông tin về tình trạng nước ta nhập rất nhiều sản phẩm chăn nuôi thải loại ở các quốc gia để làm thực phẩm, TS Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ, các sản phẩm như gà đẻ loại thải (gà hết chu kỳ khai thác trứng) nên Thái Lan, Hàn Quốc không dùng làm thực phẩm thì xuất khẩu sang Việt Nam với giá chỉ 20.000 đồng/con. Về đến biên giới giá thành khoảng 40.000 đồng/con và đưa ra thị trường bán với giá 50.000-60.000 đồng/con. Loại gà loại thải có thịt dai giòn giống như gà ta, hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Giá nhập quá rẻ nên thành món hàng siêu lợi nhuận.
Tại các chợ đầu mối online chuyên buôn bán thịt và các phụ phẩm, mặt hàng thịt gà và phụ phẩm có giá rất rẻ, phổ biến ở mức 40.000-50.000 đồng/kg; thịt lợn giá 25.000-85.000 đồng/kg tuỳ loại. Theo giới kinh doanh, các sản phẩm thịt và phụ phẩm này chủ yếu được bán cho các bếp ăn tập thể, quán cơm bình dân, hàng ăn vỉa hè… vì giá rẻ.
Trong khi đó, ở một hệ thống siêu thị lớn, móng giò lợn đông lạnh giá chỉ 39.000 đồng/kg, sườn que giá 49.000 đồng/kg, bắp giò lợn giá 79.000 đồng/kg, tim lợn giá 69.000 đồng/kg. Hay như đùi gà góc tư Mỹ và gà dai đông lạnh có giá 59.000 đồng/kg, đùi tỏi gà đông lạnh Mỹ giá 49.000 đồng/kg… Mức giá này chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3 so với giá hàng trong nước sản xuất.
Hiện, lượng thịt và phụ phẩm nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng thịt tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm nhập khẩu này đổ bộ thị trường với giá rẻ khiến 4 hiệp hội ngành chăn nuôi cũng phải đặt nghi vấn về chất lượng an toàn thực phẩm. Bởi, nếu không kiểm soát chặt về chất lượng sẽ gây rủi ro lớn cho người tiêu dùng, nhất là ở khu vực bếp ăn tập thể cho học sinh, công nhân… đang là đối tượng sử dụng phần lớn các loại thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Chưa kể, hàng nhập khẩu giá rẻ còn gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Các hiệp hội cũng cho rằng, việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi vào nước ta là vấn đề hệ trọng, gây lan truyền dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm. Cùng với đó, gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Bởi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu chính ngạch hiện nay phần lớn là thứ phẩm mà ở các nước họ ít dùng làm thực phẩm. Chưa kể, đó còn là các loại thực phẩm đã gần hết hạn sử dụng nên có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/3 giá trong nước cùng loại. Việc này cũng gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Việt Nam hiện đã mở cửa với thế giới nhưng cần sớm có các hàng rào kỹ thuật, chính sách thương mại để kiểm soát hàng nhập chính ngạch và có biện pháp ngăn hàng lậu nhập tràn lan. Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, các hiệp hội trong ngành chăn nuôi cũng nhận định, chỉ 3-5 năm tới khi các dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
An Dương (T/h)