Hoàn Kiếm (Hà Nội): Trả lại sự tôn nghiêm cho di tích đền Bà Kiệu
(Xây dựng) – Dự án giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật. Việc cải tạo, nâng cấp cần đảm bảo sự hài hòa để dự án được triển khai đúng tinh thần chủ trương đề ra; đảm bảo sự tôn nghiêm cho di tích.
Đền Bà Kiệu là một di tích đạo Mẫu quý giá, không chỉ là niềm tự hào của Hà Nội mà còn của nhân dân cả nước. |
Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa lịch sử
Nhắc đến hồ Gươm, hình ảnh hằn sâu trong mỗi trái tim người dân Thủ đô lâu nay vẫn là cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn cùng với tháp Rùa uy nghiêm, nơi gắn liền với những trang sử hào hùng của Thăng Long Hà Nội. Cùng với việc gìn giữ, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích, hiện hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh đền Bà Kiệu cũng cần phải được tôn tạo lại nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm, tạo cảnh quan khu vực hồ Gươm.
Đền Bà Kiệu trước kia còn được gọi là “Huyền Chân Địa” (Thiên Tiên Địa) là một di tích cổ nằm giữa khu đất thiêng trung tâm Thăng Long – Hà Nội, phía trước đền là cụm di tích Ngọc Sơn, tháp Rùa, nơi gắn với huyền thoại vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Rùa thần, phía trên đền là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nơi diễn ra những sự kiện lịch sử gắn với giới nho sỹ trí thức yêu nước Hà Thành.
Căn cứ thư tịch cổ và văn bia còn lại, đền được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, thuộc thôn Tả Vọng, huyện Thọ Xương, đến giữa thế kỷ XIX, đền thuộc thôn Hà Thanh, phường Đông Các, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Đầu thế kỷ XX, đền là hộ số 3 thuộc phố cổ Bờ Hồ và hiện tọa lạc tại phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
Đền Bà Kiệu thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh là bậc “Mẫu Nghi Thiên hạ” và 2 thị nữ Quỳnh Hoa và Quế Hoa công chúa, Mẫu Liễu Hạnh là một trong tứ bất tử gồm Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn, Chử Đồng Tử trong thần điện Việt Nam. Sự tích Mẫu Liễu Hạnh hiện còn khá nhiều thư tịch cổ nói về Bà, Mẫu Liễu Hạnh chính là biểu tượng của tình yêu, sự tự do, sự nhập thế và dấn thân vì cuộc sống đời thường.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, đền Bà Kiệu là một di tích đạo Mẫu quý giá, không chỉ là niềm tự hào của Hà Nội mà còn của nhân dân cả nước. Năm 1994, đền được xếp hạng, công nhận là Di tích quốc gia. Căn cứ biên bản và bản đồ khoanh vùng bảo vệ lập ngày 12/12/1992 thì đền Bà Kiệu chỉ có khu vực bảo vệ I, bao gồm khu kiến trúc, vườn hoa bao quanh và Tam quan. Hiện tại, trong khu vực này còn tồn tại 7 hộ dân và 1 tổ chức.
Căn cứ Khoản 3 Điều 32 Luật Di sản Văn hóa số 10/VBHN-VPQH ngày 23/7/2013 thì: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian…”.
Căn cứ quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm tỷ lệ 1/2000 đã được UBND Thành phố phê duyệt và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu đất nêu trên được dự kiến xác định chức năng đất di tích, thuộc khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận với định hướng là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, khu vực bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc.
Cho ý kiến về nội dung này, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng: Việc UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân, tổ chức ra khỏi khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả di sản văn hóa di tích lịch sử là phù hợp định hướng các quy hoạch có liên quan trong khu vực và Văn bản số 9707/VP-KT ngày 16/10/2017 của UBND Thành phố.
Cải tạo nâng cấp, trả lại sự tôn nghiêm
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Vũ Đức Ngọc Luyện, Tổ trưởng Tổ dân phố số 3, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm cho biết: Với cương vị là Tổ trưởng Tổ dân phố, tôi đã tích cực phổ biến, tuyên truyền toàn bộ mục đích, yêu cầu của dự án đến với bà con, nhân dân xung quanh khu vực rất đồng tình ủng hộ chủ trương thực hiện dự án.
Cũng theo ông Luyện, hiện có 7 hộ dân và 1 tổ chức nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm cũng thường xuyên phối hợp với UBND phường Lý Thái Tổ và Tổ dân phố số 3 để tổ chức tiếp xúc với các hộ nhằm tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ chủ trương của Thành phố. Qua quá trình tiếp xúc, hiện 1 tổ chức đã đồng ý bàn giao mặt bằng, còn 7 hộ dân tại số 59 Đinh Tiên Hoàng chưa đồng thuận bởi nhiều lý do khác nhau liên quan đến tín ngưỡng, nguyện vọng của gia đình…
Việc tôn tạo, tu bổ và thực hiện dự án là nhiệm vụ chính trị của UBND quận Hoàn Kiếm nhằm bảo vệ di tích và phục hồi di sản. |
Về giá tiền hỗ trợ di dời, theo ông Luyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận đã công khai số tiền bồi thường hỗ trợ cho các hộ. “Quá trình làm việc với chính quyền, chúng tôi được biết, đây là mức đền bù rất tốt cho người dân. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận cũng đã tính toán, căn cứ vào các giao dịch trong khu vực ở thời điểm hiện tại để đề xuất phê duyệt mức giá hỗ trợ tốt nhất cho người dân” – ông Luyện cho hay.
Bà Vân, một người dân sinh sống tại phố Hàng Tre cho biết: “Việc cải tạo, nâng cấp khu vực hạ tầng xung quanh di tích đền Bà Kiệu là rất cần thiết, việc này không chỉ giúp khu vực xung quanh đền Bà Kiệu xanh, sạch, đẹp mà còn phục vụ mục đích tâm linh, du lịch, thưởng lãm văn hóa, nghệ thuật của người dân Thủ đô”.
Là du khách thường xuyên đến phố đi bộ Hà Nội dịp cuối tuần, chị Hồng Diên, quê Nam Định bày tỏ: “Giống như nhiều du khách, tôi luôn có một tình yêu rất đặc biệt với Hà Nội. Từ tháp Rùa cho đến đền Ngọc Sơn, nhưng trái ngược với sự thanh tịnh đó thì đối diện cầu Thê Húc, khu vực linh thiêng như đền Bà Kiệu, xung quanh lại đầy các hộ dân buôn bán và sinh sống. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của ngôi đền”.
“Nếu Hà Nội có chủ trương di dời dân, cải tạo nâng cấp khu vực xung quanh đền, tôi nghĩ đây là điều rất tuyệt vời và Hà Nội cần phải làm ngay để đảm bảo mỹ quan cho khu vực”, chị Diên chia sẻ thêm.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, thời gian qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã tích cực trong tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận. Tại buổi đối thoại với các hộ dân thuộc diện thu hồi đất đền Bà Kiệu mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, dự án đang được thực hiện theo cơ chế bồi thường, hỗ trợ về đất, về nhà và bố trí tái định cư tại quỹ nhà NO15B phường Thượng Thanh, quận Long Biên…
Về góc độ chuyên gia, chia sẻ với Phóng viên Báo điện tử Xây dựng, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết: Việc thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu là rất cần thiết, bởi đây thuộc khu vực I của di tích cần được bảo vệ nguyên trạng.
“Việc tôn tạo, tu bổ và thực hiện dự án là nhiệm vụ chính trị của UBND quận Hoàn Kiếm nhằm bảo vệ di tích và phục hồi di sản, phát huy giá trị văn hóa lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, việc cải tạo cần đảm bảo không gây ảnh hướng đến kiến trúc cảnh quan khu vực bên trong ngôi đền vì đây là giá trị cốt lõi cần được gìn giữ và bảo vệ nguyên trạng”, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ thêm.
Nguồn: Báo xây dựng