Quốc hội dành một phút mặc niệm hơn 21.000 công dân, cán bộ, chiến sĩ từ trần vì đại dịch Covid-19
Sáng 20/10, Quốc hội đã họp phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến (từ 20 – 30/10). Ngoài điểm họp tại Nhà Quốc hội, phiên họp đầu tiên còn liên kết trực tuyến với 62 điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trong thời gian vừa qua, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới đời sống xã hội, gây tổn hại tới sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
“Đại dịch đã làm hơn 21.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ từ trần, hy sinh, để lại niềm đau thương, mất mát to lớn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Quốc hội chia sẻ sâu sắc về những tổn thất, mất mát mà nhân dân đã phải gánh chịu. Xin được ghi công, tôn vinh đồng bào, cán bộ chiến sĩ đã quên mình phụng sự nhân dân, phục sự đất nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.
Để tri ân và tưởng nhớ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã từ trần, hy sinh vì đại dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH và các vị khách quý dành 1 phút mặc niệm.
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/10, bế mạc vào ngày 13/11/2021 tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung. Kỳ họp được chia 2 đợt như sau:
Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20/10 đến ngày 30/10). Quốc hội làm việc 2 ngày thứ bảy, 1 ngày chủ nhật. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (6 ngày, từ ngày 8/11 đến ngày 13/11/2021). Quốc hội làm việc 1 ngày thứ bảy.
Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí Đợt 2 liền mạch với Đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Những dự án Luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Những dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về các nội dung sau:
– Quốc hội xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính NSNN 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
– Quốc hội xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam). Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
– Quốc hội nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
– Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025); dự kiến xem xét, quyết định về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.
– Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn).
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu