Bắc Giang: Tạo đà cho du lịch văn hóa – tâm linh
(Xây dựng) – Tỉnh Bắc Giang xác định đến năm 2030, du lịch văn hóa – tâm linh sẽ trở thành 1 trong 4 sản phẩm du lịch mũi nhọn. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã dành nhiều nguồn lực cho công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch.
Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang) nơi được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm. |
Vùng đất giàu tiềm năng
Bắc Giang là một vùng đất cổ – nơi tích tụ của nhiều tầng văn hóa lâu đời. Với hệ thống di tích dày đặc trải khắp các địa bàn, trong đó có nhiều di sản có giá trị được UNESCO công nhận, nhiều di tích quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có hơn 700 di tích xếp hạng các cấp, trong đó có 5 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt (với 34 điểm); 95 di tích quốc gia; 617 di tích cấp tỉnh; có 4 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Bắc Giang cũng được biết đến là vùng đất với nhiều lễ hội độc đáo, toàn tỉnh hiện có gần 800 lễ hội được tổ chức, trong đó có 12 lễ hội cấp huyện, còn lại là lễ hội cấp xã…
Tỉnh Bắc Giang xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, chú trọng liên kết du lịch và các ngành kinh tế khác tạo nên chuỗi giá trị cho sản phẩm du lịch địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa trở thành khu du lịch quốc gia, xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch và các dự án hỗ trợ phát triển du lịch đã được tỉnh Bắc Giang triển khai mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm. Một số dự án tiêu biểu như: Dự án xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu; Dự án xây dựng cầu và đường dẫn nối cảng Mỹ An – QL31 – QL1 và tuyến nhánh hồ Suối Nứa – Khuôn Thần…
Ngoài ra, các khu di tích có giá trị trong phát triển du lịch của tỉnh cũng đang được quy hoạch, đầu tư bằng nhiều nguồn lực khác nhau như: Quy hoạch chùa Bổ Đà; đầu tư tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, Di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế…
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Theo ông Đỗ Tuấn Khoa – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang hiện có nhiều di tích, khu du lịch với những điểm nhấn độc đáo như: Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên), Di tích quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng Xương Giang (đền Xương Giang – TP Bắc Giang, Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động). Tuy nhiên, việc cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, dịch vụ chưa được đầu tư xứng tầm đã khiến cho việc giữ chân du khách trở lên vô cùng khó khăn.
Xác định du lịch văn hóa tâm linh là trọng điểm để phát triển du lịch, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần đưa du lịch văn hóa – tâm linh trở thành điểm sáng ở khu vực Đông Bắc của Thủ đô.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Giang đã phân bổ trên 290 tỷ đồng để thực hiện các dự án phát triển du lịch như: Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, tu bổ cải tạo Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm…
Là một trong những địa phương có nhiều di tích lịch sử có giá trị, trong những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa gắn với du lịch tâm linh trên địa bàn huyện Yên Dũng đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, từ đó không gian du lịch được mở rộng, tạo nên những điểm đến hấp dẫn.
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Trần Đức Hoàn – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Yên Dũng cho biết, hiện tại, 100% các di tích đã xếp hạng trên địa bàn được lập hồ sơ đo đạc bản đồ khoanh vùng bảo vệ; 55/85 di tích đã xếp hạng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt tỷ lệ 64,7%. UBND huyện đã ban hành kế hoạch hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng giai đoạn 2021 – 2025. Trong 3 năm, 22 di tích đã được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí khoảng 154,86 tỷ đồng…
Với những tiềm năng sẵn có, cùng việc quan tâm thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng; tập trung cho công tác quy hoạch, tu bổ, tôn tạo các di tích sẽ góp phần tạo động lực cho du lịch văn hóa – tâm linh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang “cất cánh” trong thời gian tới.
Nguồn: Báo xây dựng