Sắp khánh thành nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh
(Xây dựng) – Ngày 28/8, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) đã thông tin về dự án Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh).
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng sẽ khánh thành vào ngày 30/8. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, dự án Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng sẽ khánh thành vào ngày 30/8. Đây là một hạng mục thuộc Dự án cải thiện môi trường nước Thành phố lưu vực kênh Tàu Hũ, Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ (giai đoạn 2).
Dự án có mức đầu tư 11.300 tỷ đồng, trong đó vốn ODA 9.850 tỷ đồng và đối ứng từ ngân sách Thành phố 1.450 tỷ đồng, chia làm 2 gói thầu tư vấn (thiết kế và giám sát) và 6 gói thầu xây lắp lớn.
Dự án có lưu vực phục vụ với diện tích 2.530ha trên địa bàn 8 quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, gồm: Quận 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh với quy mô dân số khoảng 1,8 triệu người.
Mục tiêu dự án hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mưa, giải quyết tình trạng ngập tại các điểm ngập trong lưu vực; Nạo vét, cải tạo tuyến kênh Tàu Hủ, kênh Ngang số 1, 2 và 3 và một phần kênh Hàng Bàng; Thu gom và xử lý nước thải trong lưu vực, nâng công suất trạm bơm và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng từ 141.000 m3/ngày (giai đoạn 1) lên thành 469.000 m3/ngày (giai đoạn 2).
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang lên kế hoạch đầu tư giai đoạn 3, tập trung nâng công suất xử lý nước thải của Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng lên 512.000 m3/ngày đêm để xử lý lượng nước thải của khu vực kênh Tẻ quận 7.
Để thực hiện dự án, Thành phố Hồ Chí Minh đã dành riêng cù lao biệt lập với tổng diện tích 42ha để xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 1, giai đoạn 2.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, sau gần 20 năm triển khai, từ một cù lao sình lầy, lau sậy đã trở thành một khu xử lý nước thải hiện đại, lớn nhất trong cả nước tính đến thời điểm hiện nay.
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng không chỉ có chức năng xử lý nước thải đơn thuần mà đã được quy hoạch, xây dựng thành một “điểm đến xanh” với hàng chục ha cây xanh, phòng thí nghiệm, hệ thống quan trắc để trở thành một điểm học tập, đào tạo, tham quan, giáo dục môi trường cho người dân Thành phố, đặc biệt là những công dân trẻ…
Nguồn: Báo xây dựng