Hà Nội: Xây dựng tuyến đường từ đường Tây Thăng Long đến đường từ Đại học Mỏ – Địa chất đi đường Phạm Văn Đồng

(Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 4478/QĐ-UBND ngày 27/8/2024 về việc phê duyệt dự án đầu tư phê duyệt dự án đầu tư Xây dựng tuyến đường từ đường Tây Thăng Long đến đường từ Đại học Mỏ – Địa chất đi đường Phạm Văn Đồng.

Hà Nội: Xây dựng tuyến đường từ đường Tây Thăng Long đến đường từ Đại học Mỏ - Địa chất đi đường Phạm Văn Đồng
Đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội).

Dự án nhằm góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực, giảm tải lưu lượng giao thông cho các tuyến đường hiện có, cải thiện điều kiện đi lại của nhân dân, kết nối với các tuyến đường trục chính trong khu vực tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt nhằm đảm bảo giao thông cho khu vực, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Đây là Dự án nhóm B, công trình đường đô thị – đường chính khu vực; công trình cấp I do UBND quận Bắc Từ Liêm làm chủ đầu tư với chiều dài khoảng 1 km: Điểm đầu tuyến kết nối với đường Tây Thăng Long, điểm cuối tuyến kết nối với nút giao Phố Viên, đường Nguyễn Đình Tứ. Tuyến đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường chính khu vực, vận tốc thiết kế 50km/h. Quy mô mặt cắt ngang đường điển hình B = Bmặt + Bhè = 2×7,5m + 2×7,5m = 30m. Các hạng mục đầu tư chủ yếu gồm nền, mặt đường, hè đường, cây xanh, cống ngang đường, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, hào kỹ thuật, cấp nước và phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông và các hạng mục phụ trợ khác.

UBND Thành phố giao Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về tính chính xác, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu thể hiện trong hồ sơ trình thẩm định; toàn bộ quá trình quản lý, thực hiện dự án và quản lý, sử dụng vốn đầu tư đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật của Nhà nước và của thành phố Hà Nội. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ và các quy định hiện hành của pháp luật. Tổ chức quản lý dự án và lựa chọn nhà thầu thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố Hà Nội về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu. Phối hợp với chủ đầu tư các dự án liên quan để thống nhất phương án thiết kế các hạng mục đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực dự án nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh trùng lắp, lãng phí; Có biện pháp tổ chức thi công phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và giảm thiểu ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án. Làm việc với các Sở, ngành thành phố và các đơn vị liên quan để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy định đảm bảo triển khai thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt. Thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư và phối hợp thực hiện giám sát cộng đồng theo quy định hiện hành.

Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng thực hiện trách nhiệm quản lý chất lượng xây dựng công trình theo chức năng, nhiệm vụ và theo đúng các quy định hiện hành.

Các Sở, ngành thành phố có liên quan khác phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của mình đối với các công việc có liên quan đến quá trình thực hiện dự án đầu tư.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích