Hồ sơ, kỷ vật đi B – “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”

(Xây dựng) – Những giọt nước mắt lăn dài, những chiếc ôm thật chặt của những thân nhân khi cầm trên tay kỷ vật đã hoen màu thời gian của người thân đã từng nghe theo tiếng gọi con tim, tập kết ra Bắc. Để rồi sau đó, lại tình nguyện, lặng lẽ âm thầm vượt dãy Trường Sơn, chi viện sức người cho cuộc chiến đấu ở miền Nam (gọi là đi B). Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ký ức về một thời chia ly đã lùi xa dần nhưng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người ở lại.

Hồ sơ, kỷ vật đi B – “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”
Các đại biểu cắt băng khai mạc Trưng bày tài liệu chuyên đề “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”.

Những nghĩa cử ân tình!

Ngày 28/8, tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức Lễ trao hồ sơ, kỷ vật của cán bộ tỉnh Bình Định đi B và Trưng bày tài liệu lưu trữ “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ về thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc tại cảng Quy Nhơn (8/1954-8/2024) và Kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hồ sơ, kỷ vật đi B – “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”
Các đại biểu tham quan các tài liệu hồ sơ, kỷ vật.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nước ta tạm thời bị chia cắt thành 2 miền. Dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, nhiều cán bộ miền Nam đã từ biệt gia đình để tập kết ra Bắc. Để rồi sau đó, họ và cả những cán bộ, người dân miền Bắc lại tình nguyện, lặng lẽ âm thầm vượt dãy Trường Sơn để chi viện sức người cho cuộc chiến đấu ở miền Nam. Đó là nhiệm vụ cách mạng bí mật, cao cả, được gọi với mật mã “đi B”, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Theo quy định, những cán bộ vào Nam chiến đấu chỉ được mang theo đồ dùng sinh hoạt cá nhân do Ủy ban Thống nhất Chính phủ cấp phát. Tất cả tư trang hành lý, tài sản cá nhân, kỷ vật đều phải gửi lại (gọi chung là hồ sơ cán bộ đi B) như: Giấy chứng minh, lý lịch quân nhân, thẻ quân trang, huy chương kháng chiến, bảng gia đình vẻ vang, sổ thương binh, sổ tiết kiệm…

Chiến tranh đã qua đi, những cán bộ năm xưa có người đã nhận lại được các hồ sơ, kỷ vật của mình nhưng cũng có những người đã không thể “chạm” vào những ký ức ấy. Vì vậy, việc trao hồ sơ, kỷ vật của cán bộ tỉnh Bình Định đi B là một hoạt động thiết thực, như một lời tri ân và tôn vinh những hy sinh, đóng góp của các cán bộ đi B, đã góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng của nhân dân tỉnh Bình Định trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Hồ sơ, kỷ vật đi B – “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”
Các đại biểu tìm hiểu tư liệu của các cán bộ đi B.

Hiện tại, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang lưu trữ, bảo quản 72.000 bộ hồ sơ cán bộ đi B, trong đó số hồ sơ của tỉnh Bình Định là 5.442 bộ, trở thành địa phương có số lượng hồ sơ đi B nhiều nhất trên cả nước (trong đó có nhiều hồ sơ gốc). Trong dịp này, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định phối hợp cùng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức lễ trao hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B cho 57 thân nhân, gia đình của cán bộ tỉnh Bình Định. Đây là địa phương có đợt trao trả nhiều hồ sơ nhất trên cả nước tính đến thời điểm hiện tại.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết: Trao hồ sơ, kỷ vật là một hoạt động hết sức ý nghĩa kỷ niệm về chuyển quân tập kết ra Bắc tại cảng Quy Nhơn 70 năm trước, càng đặc biệt hơn khi những kỷ vật từng gắn bó với các cán bộ tập kết gửi lại trước khi lên đường đi B được trở về sau 70 năm, thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với những người có công với đất nước trong giai đoạn cách mạng hào hùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng tỉnh Bình Định.

Hồ sơ, kỷ vật đi B – “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ phát biểu tại lễ trao trả.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước mong muốn: Tỉnh Bình Định tiếp tục tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để để các cán bộ đi B và thân nhân của các cán bộ đi B được biết về thông tin và có liên hệ với cơ quan quản lý để nhận lại hồ sơ kỷ vật của mình và của thân nhân gia đình mình. Việc làm này thực hiện càng sớm càng có ý nghĩa, bởi chiến tranh đã lùi xa, những cán bộ đi B cũng ngày càng cao tuổi. Đây cũng là việc làm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Bình Định, giáo dục về lịch sử dân tộc cho các thế hệ, từ đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định cho biết: Trong đợt trưng bày lần này sẽ có 3 chủ đề chính, gồm: Phần 1, “Ký ức những ngày tập kết ra Bắc” trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu, hình ảnh về các chuyến tàu tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn; Phần 2, “Nam Bắc vẫn là một nhà” trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu, hình ảnh về sự đón tiếp, chăm lo của đồng bào miền Bắc đối với cán bộ miền Nam tập kết; tài liệu, tư liệu, hình ảnh về hoạt động của cán bộ miền Nam tập kết và hoạt động của các trường học sinh miền Nam tại miền Bắc; Phần 3, “Mãi mãi tuổi thanh xuân” trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu hồ sơ, kỷ vật một số cán bộ tập kết đã mất tại Miền Bắc và của cán bộ đi B và một số liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

“Qua sự kiện này góp phần tri ân và tôn vinh những người có công với cách mạng, đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử và phát huy giá trị lịch sử cách mạng của tỉnh Bình Định nói riêng và đất nước ta trong thời bình”, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh cho hay.

Hồ sơ, kỷ vật đi B – “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”
Các đại biểu tham quan khu trưng bày.

Dịp này, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cũng đã tổ chức Trưng bày tài liệu lưu trữ ‘‘Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”, giới thiệu gần 150 tài liệu, kỷ vật đi B trong số hơn 5.400 hồ sơ đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Qua Triển lãm, Ban tổ chức mong muốn giới thiệu rộng rãi khối Hồ sơ, kỷ vật đang được lưu giữ, nhằm thiết thực thông tin để cán bộ đi B và người thân sớm biết được và nhận lại Hồ sơ kỷ vật của mình và người thân; đồng thời, thể hiện trách nhiệm của công tác lưu trữ trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa và tri ân đối với những người có công với đất nước, qua đó góp phần lan tỏa vai trò của công tác lưu trữ, gìn giữ tài liệu của Nhà nước, xã hội và nhân dân.

Ký ức của những người ở lại

Có mặt tại lễ trao trả, ông Lê Quang Dũng (74 tuổi) ở thôn Bình Châu, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn bồi hồi, xúc động khi được nhận những kỷ vật của cha mình là Lê Hải. Trong ký ức của ông, cha đi tập kết ra Bắc vào năm 1954, ngày ấy ông không hề biết thông tin gì về cha mình, ký ức còn lại đó chỉ là 1 tấm ảnh của cha để lại. Những trăn trở của ông đã phần nào nguôi ngoai khi hôm nay ông được nhận lại những hồ sơ, kỷ vật của cha mình.

Hồ sơ, kỷ vật đi B – “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”
Ông Lê Quang Dũng nhận hồ sơ, kỷ vật của cha khi đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Cũng giống như ông Lê Quang Dũng, cầm trên tay bộ hồ sơ, kỷ vật của cha mình, anh Bùi Huy Phúc, hiện đang là cán bộ của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định không khỏi xúc động. Anh cho biết, nhận được thông tin từ địa phương khi cha mình có tài liệu, kỷ vật được lưu giữ và Trung tâm Lưu trữ tỉnh tỉnh Bình Định đang liên hệ để tìm thân nhân để trao khiến anh rất bất ngờ.

“Cha tôi, một người lính, một cán bộ đã không ngần ngại rời xa quê hương, gia đình để lên đường làm nhiệm vụ. Hôm nay, khi được xem các tư liệu, hình ảnh, kỷ vật tại buổi triển lãm và cầm trên tay những trang hồ sơ vàng úa, tôi như được sống lại những ký ức đã xa. Mỗi dòng chữ, mỗi hình ảnh, mỗi con số đều kể một câu chuyện về cuộc đời gian nan nhưng đầy ý chí của của các cán bộ đi B và cả cha tôi ngày ấy”, anh Bùi Huy Phúc nghẹn ngào nói.

Hồ sơ, kỷ vật đi B – “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”
Anh Bùi Huy Phúc (ở giữa) nhận hồ sơ, kỷ vật của cha mình.

Anh Bùi Huy Phúc cho hay, việc được trao trả hồ sơ không chỉ là một thủ tục hành chính mà còn là sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn của thế hệ cha anh. Đó là minh chứng sinh động cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. “Chúng tôi hiểu rằng, những gì chúng tôi có được hôm nay là nhờ sự hy sinh của cha anh. Chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ công ơn đó và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, tham gia công tác tốt và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, của địa phương”, anh tâm sự.

Phía sau khán phòng, một người phụ nữ đang lặng lẽ gạt đi những giọt nước mắt. Cô là Diệp Thị Yến ở phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, Bình Định. Hôm nay cô đến nhận hồ sơ, kỷ vật của liệt sĩ Hồ Huỳnh Long là anh chồng của mình. Cô tâm sự: “Tôi không biết nhiều về anh trai của chồng, những ký ức về anh chỉ được kể qua những nỗi nhớ của mẹ. Khi nhận được giấy mời và được bên Trung tâm gọi để nhận lại hồ sơ kỷ vật, cả gia đình không đêm nào tròn giấc vì mong ngóng. Mẹ chồng của tôi đã khóc không biết bao đêm mỗi khi nhắc đến người con trai liệt sĩ của bà. Hôm nay, khi cầm được những kỷ vật trên tay, tôi vui và xúc động lắm”.

Hồ sơ, kỷ vật đi B – “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”
Cô Diệp Thị Yến xúc động khi nhận hồ sơ, kỷ vật của người thân.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, chúng ta sẽ không thể kể hết được sự anh dũng, hy sinh, xả thân quên mình của các cán bộ, chiến sĩ tình nguyện ngày ấy, những ký ức về một thời chia ly đã lùi xa, nhưng những ký ức vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người ở lại. Việc trao trả hồ sơ, kỷ vật chính là lòng tri ân, tôn vinh sự anh dũng, xả thân quên mình cho màu cờ hòa bình của các cán bộ, chiến sĩ tình nguyện đi vào miền bom đạn hoa lửa.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích