Bổ sung trách nhiệm người đứng đầu, giúp kế toán giảm bớt rủi ro nghề nghiệp
(Xây dựng) – Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Kế toán. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật.
Dự thảo Luật bổ sung quy định về việc người làm kế toán có ý kiến khác với cấp trên và đã bảo lưu ý kiến của mình thì không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm khi chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp trên. (Ảnh minh họa) |
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi các nhiệm vụ liên quan đến công tác kế toán
Luật Kế toán số 88/2015/QH13 có hiệu lực từ năm 2017, đã tiếp cận hơn các nguyên tắc, thông lệ chung về kế toán, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh khung pháp lý đầy đủ về kế toán theo hướng tiếp cận hơn các thông lệ quốc tế.
Đồng thời, Luật Kế toán đã hỗ trợ và hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thực hiện công tác kế toán phù hợp, hiệu quả.
Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, việc sửa một số quy định là cần thiết. Với việc đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 nhóm chính sách lớn, Bộ Tài chính cho rằng, điều này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi các nhiệm vụ liên quan đến công tác kế toán.
Cụ thể, tại dự thảo 1 luật sửa 7 Luật do Bộ Tài chính soạn thảo, liên quan đến sửa Luật Kế toán, Bộ Tài chính đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán của Bộ Tài chính, Bộ, ngành khác, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh.
Cụ thể, về trách nhiệm của Bộ Tài chính: Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về kế toán, có các nhiệm vụ, quyền hạn về xây dựng, trình Chính phủ quyết định chiến lược, chính sách phát triển kế toán; ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kế toán.
Ngoài ra, ban hành theo thẩm quyền Chuẩn mực về kế toán của Việt Nam, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán, Chế độ kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật khác về kế toán; hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực quốc tế về kế toán tại Việt Nam.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý Nhà nước về kế toán trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, như: Tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về kế toán; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng ban hành chế độ kế toán hoặc các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài của tổ chức tín dụng thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực về kế toán quy định trong Luật này.
UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý Nhà nước về kế toán tại địa phương như chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị kế toán tại địa phương theo quy định của pháp luật về kế toán; tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán và xử lý vi phạm pháp luật về kế toán đối với các đơn vị kế toán tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực kế toán thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Về nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người làm kế toán trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán theo hướng người đứng đầu và người đại diện theo pháp luật của các đơn vị chịu trách nhiệm thực thi chính sách.
Theo Bộ Tài chính, việc quy định về trách nhiệm người đứng đầu giúp nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; hoàn thiện quy định của pháp luật và phù hợp với các luật khác để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý tài chính, tài sản công.
Đồng thời, tạo điều kiện để xử lý vi phạm khi người đứng đầu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, phòng chống tham nhũng lãng phí tại các đơn vị công.
Giúp người làm kế toán giảm bớt rủi ro nghề nghiệp
Đáng lưu ý, tại dự thảo Luật bổ sung quy định về việc người làm kế toán có ý kiến khác với cấp trên và đã bảo lưu ý kiến của mình thì không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm khi chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Quy định này sẽ giúp cho người làm kế toán giảm bớt rủi ro nghề nghiệp, yên tâm công tác, mạnh dạn có ý kiến khi phát hiện chỉ đạo của cấp trên sai nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp, từ đó góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại đơn vị.
Ngoài ra, tại dự thảo Luật Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Kế toán theo hướng: Đối tượng áp dụng Luật bao gồm Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Tổ chức chính trị; tổ chức chính trị – xã hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức, cơ quan, đơn vị khác là đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước; Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Về trách nhiệm người đứng đầu, bổ sung trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức bộ máy kế toán.
Lý giải điều này, Bộ Tài chính cho biết, thời gian vừa qua, pháp luật đã có một số thay đổi liên quan đến tên gọi các đơn vị thuộc khu vực công nên một số thuật ngữ đã không còn phù hợp, như: “đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách Nhà nước”, “đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách Nhà nước”.
Ngoài ra quy định hiện nay chưa nêu rõ đến các đơn vị như: Tổ chức chính trị; tổ chức chính trị – xã hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức, cơ quan, đơn vị khác là đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước; đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; đơn vị có các hoạt động huy động, đóng góp nguồn lực xã hội không vì mục đích lợi nhuận. Vì vậy, cần sửa đổi để Luật Kế toán phù hợp với các quy định khác của pháp luật đối với đơn vị công.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 thì các tổ chức tín dụng được định nghĩa là tổ chức kinh tế nhưng Luật Kế toán mới chỉ có khái niệm doanh nghiệp mà chưa có đối tượng áp dụng là các tổ chức kinh tế. Vì vậy, cần bổ sung đối tượng áp dụng Luật là các tổ chức kinh tế để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng.
Việc sửa đổi, bổ sung các nội dung nêu trên để đảm bảo Luật Kế toán có sự phù hợp và đồng bộ với các quy định khác của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng luật, đồng thời tránh được sự chồng chéo giữa các quy định của pháp luật.
Nguồn: Báo xây dựng