Tiến Văn Miếu kể chuyện “Day by Day” tại J Art Space
Tiến Văn Miếu kể chuyện “Day by Day” tại J Art Space
“DAY by DAY” là tên cuộc triển lãm mới nhất của họa sĩ Nguyễn Văn Tiến do J Art Space tổ chức thực hiện đã được khai mạc vào ngày 28/08/2024 và kéo dài đến ngày 28/09/2024 tại J Art Space, 30 đường số 10, Thảo Điền, Thủ Đức, TP. HCM.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tiến, được biết đến nhiều hơn với nghệ danh Tiến Văn Miếu. Nghệ danh này ra đời từ sau sự kiện “Không gian nghệ thuật” Nguyễn Văn Tiến thực hiện chung với Trần Anh Quân ở Văn Miếu, Hà Nội, năm 1997 mà phản ứng của công luận bên khen bên chê, sự bùng nổ ngay lúc ấy, cho đến nay, và có lẽ còn lâu về sau nữa sẽ còn cần phải được tiếp tục đào xới, lý giải!
Từ năm 1994, Nguyễn Văn Tiến bắt đầu hành trình nghệ thuật của mình. Từ đó đến nay, vừa tròn 30 năm, anh đã có hơn chục triển lãm riêng và chung ở trong và ngoài nước.
Triển lãm “DAY by DAY” lần này trưng bày một số tác phẩm tiêu biểu–còn lại–qua từng giai đoạn suốt hành trình 30 năm “ăn nằm” với nghệ thuật của Nguyễn Văn Tiến.
Ở đây, có vài tác phẩm đã từng được ra mắt trong sự kiện nghệ thuật “Xà bần II – Sự ra đời của thần Vệ nữ” thực hiện năm 2010, ở một căn nhà tạm bợ trong khu dân cư nghèo Bình Triệu, TP Hồ Chí Minh. Sự kiện nghệ thuật từng được xem là sự mổ xẻ gần như đến mức “tàn nhẫn” vào ngay con người nghệ sĩ, vào quan niệm về nghệ thuật và về cuộc sống của chính mình. Những tác phẩm như “Thần Vệ Nữ giang sinh”, “Người nhiều tay”… đều là những tác phẩm giễu nhại nhức nhối…
Ở đây, cũng có vài tác phẩm đã từng được ra mắt trong triển lãm “Lockdown”, thể hiện những vấn đề nóng bỏng: tình cảnh và nỗi đau của người dân thời lockdown vì COVID-19, tổ chức Alpha Art Station- TP Hồ Chí Minh-năm 2022. Ở Việt Nam, rất ít nghệ sĩ đối diện với những vấn đề thời sự nóng hổi như thế này.
Còn lại, là những tác phẩm anh mới sáng tác trong vòng 2 năm trở lại đây. Những tác phẩm này, hầu hết, hoà trộn giữa phong cách trừu tượng trữ tình-lấp lánh ánh sáng lúc u tối lúc rực lửa-với phong cách “New-Dada” kết dính nhiều vật sẵn có khác nhau… Ở đây, Nguyễn Văn Tiến thể hiện các cảm nghiệm hiện sinh của mình về các mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần, giữa cái chung và cái riêng, giữa “truyền thống” và hiện tại, giữa các giá trị tinh hoa và rác rưởi… Nó mang lại cho người xem nhiều bất ngờ thú vị bởi sự đan xen giữa tinh thần nghiêm nghị với tính cách giễu nhại có phần chua cay của nó…
Công chúng nghệ thuật đã từng biết nhiều về Nguyễn Văn Tiến đều ít nhiều nhận ra, tuy có dáng dấp bề ngoài nhỏ nhẹ, hiền lành và kín đáo, nhưng mỗi lần “xuất hiện” là một lần Nguyễn Văn Tiến gây sốc với cách nhìn và cách thể hiện nghệ thuật “khác người”.
Theo dõi hành trình nghệ thuật của Nguyễn Văn Tiến ngay từ lúc khởi đầu, nhà phê bình nghệ thuật Nguyên Hưng đã viết về anh: “Ám ảnh lớn nhất trong tư duy nghệ thuật Nguyễn Văn Tiến, biểu hiện từ triển lãm đầu tiên ở Văn Miếu (cùng với Trần Anh Quân) đến giờ, vẫn là ám ảnh về tự do-của người nghệ sĩ, của con người nói chung. Với ám ảnh này, nghệ thuật của Tiến là sự hoà trộn hay giao động giữa các cảm xúc trữ tình thế sự với siêu hình. Không gian nghệ thuật của Tiến, bao giờ cũng là không gian xã hội. Chất liệu nghệ thuật của Tiến, bao giờ cũng là chính bản thân mình. Và, hình thức nghệ thuật của Tiến, bao giờ cũng là sự va đập giữa cá nhân Tiến với một sức mạnh tượng trưng nào đó… Tiến không ngần ngại va chạm. Kể cả những vấn đề nhiều người phải né tránh vì sự “nhạy cảm” của nó”.
Đây là một triển lãm “nhìn lại” với tinh thần “nghĩ lại” của Nguyễn Văn Tiến. Và với tinh thần “nghĩ lại”, trong suốt thời gian triển lãm kéo dài đúng một tháng, tại không gian triển lãm sẽ có một loạt buổi gặp gỡ mạn đàm và nói chuyện về nghệ thuật đương đại…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị