Sẵn sàng tâm thế vào năm học mới
Nhiều dấu ấn nổi bật
Sau khi đất nước giành được độc lập, vào tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi cho các học sinh” nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bức thư tuy chỉ dài hơn 600 từ nhưng đã thể hiện được tình cảm yêu thương vô bờ bến của Bác đối với các “mầm non tương lai” của đất nước, đồng thời thể hiện được tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ cực kỳ sáng suốt của Bác đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Với ngành Giáo dục Thủ đô, năm học mới 2024 – 2025 mang theo nhiều niềm tin và kỳ vọng. |
Mở đầu bức thư, Bác đã vẽ nên bức tranh hồ hởi, phấn khởi của học sinh trong ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa từ giờ phút này trở đi, các em được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”. Và Bác khẳng định điều may mắn và vinh dự của các em học sinh “là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Thực hiện lời dạy của Bác, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô luôn phấn đấu, nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong việc dạy và học, từ đó đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận. Trong năm học 2023 – 2024, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng. Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới. Toàn Thành phố hiện có 2.913 trường mầm non, phổ thông với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130 nghìn giáo viên. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm gần 80%. Thành phố đã công nhận được 23 trường chất lượng cao; đồng thời triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn.
Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững. Năm học vừa qua, ngành Giáo dục Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội. Chẳng hạn như: Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 – 2025, phong trào “Tiếng trống học bài”, triển khai chương trình ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) trên ứng dụng HANOI ON và phát sóng trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội…
Cùng đó, toàn ngành đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức an toàn, hiệu quả công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2024 – 2025 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong công tác thi, tuyển sinh của những năm học trước như: Không còn hiện tượng xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh, bốc thăm để vào các trường công lập… Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT có chuyển biến mạnh với 99,81% học sinh tốt nghiệp, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11). Hà Nội là địa phương có số bài thi điểm 10 nhiều nhất cả nước với 915 điểm 10, 1 thí sinh đạt tổng điểm thi cao nhất cả nước (57,85 điểm)…
Học sinh Thủ đô tiếp tục đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (cao hơn 43 học sinh so với năm 2023). 3 học sinh đoạt giải tại kỳ thi Khoa học kỹ thuật quốc gia. 35 học sinh đoạt giải quốc gia trong Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, đặc biệt là có 2 học sinh giành Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế và kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.
Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống dịch bệnh trong trường học được quan tâm. Toàn ngành đã triển khai thực hiện các giải pháp lan tỏa lời nhắn nhủ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về 3 chữ “an” trong nhà trường: “Học trò đến trường phải được an toàn – Thầy cô giáo phải được an lành – Phụ huynh đưa con đến trường thì được an tâm”.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là khai giảng năm học mới 2024 – 2025. Theo ghi nhận, thời điểm hiện tại, các trường học trên địa bàn Thành phố đã cơ bản hoàn tất khâu chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ giáo viên… Một số trường nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động để tạo tâm thế thoải mái, hứng khởi cho thầy cô và học trò trước khi chính thức bước vào năm học. Đối với những lớp đầu cấp, các nhà trường đều dành thời gian để giới thiệu về truyền thống nhà trường, về giáo viên giảng dạy từng môn, dự kiến các hoạt động trong năm học và phương pháp học tập…
Ghi nhận tại Trường Mầm non Trần Phú (quận Hoàng Mai), công tác chuẩn bị đón năm học mới đã được cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường hoàn tất. Cô giáo Tô Thị Hà (Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Phú) chia sẻ: “Trước đây, trường phải chia thành 2 điểm, quản lý và triển khai các hoạt động rất vất vả, chưa kể đến tình trạng cơ sở vật chất bị xuống cấp. Nay trường được xây mới, 420 học sinh của 4 khối lớp sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng với cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ. Với tổng số 28 giáo viên yêu trẻ, tâm huyết, nhà trường đã sẵn sàng đón năm học mới”.
Năm học 2024 – 2025, học sinh hai thôn Thuận Tốn và Đào Xuyên (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) sẽ được học tại ngôi trường vừa khánh thành – Trường Tiểu học Đại Hưng. Đây là 1 trong 2 trường học vừa được xây mới, hoàn thiện và đưa vào sử dụng của huyện Gia Lâm trong năm học này. Đón 738 học sinh cho 20 lớp học, đảm bảo sĩ số theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, Trường Tiểu học Đại Hưng được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ với các phòng chức năng, phòng đa năng, phòng Khoa học công nghệ, Mĩ thuật, Tiếng Anh, nhà thể chất, bếp ăn, phòng Tư vấn tâm lý học đường cho học sinh…
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, với mạng lưới trường lớp hiện nay, Hà Nội đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. Việc quá tải trường học chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa bàn tập trung đông dân cư. Do đó, sĩ số trung bình cấp tiểu học của toàn Thành phố chỉ khoảng 37,5 học sinh/lớp. Việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là mục tiêu, giải pháp của ngành để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục.
Thông tin tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức vào giữa tháng 8/2024, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm học mới là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
Cũng trong năm học 2024 – 2025, ngành Giáo dục Hà Nội sẽ theo dõi, đôn đốc về việc thực hiện kế hoạch cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn Thành phố đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã đề ra; đồng thời phối hợp các đơn vị về việc xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích từ 5 ha trở lên trên địa bàn Thành phố…
Phạm Thảo
Nguồn: Báo lao động thủ đô