Chiêu trò lừa đảo thu học phí tân sinh viên ngày càng tinh vi
Theo Điểm tin cảnh báo lừa đảo trực tuyến của Cục An toàn thông tin, mới đây Trường Đại học Sài Gòn phát đi thông tin về việc một số thí sinh trúng tuyển nhận được tin nhắn yêu cầu đóng lệ phí nhập học năm 2024 với số tiền 6.953.000 đồng vào số tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn trong tin nhắn lừa đảo. Bên cạnh đó, hàng loạt các trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra cảnh báo đối với các hình thức lừa đảo trên.
Ảnh minh họa (Nguồn: Cục An toàn thông tin). |
Đối tượng lừa đảo có thể tạo ra các trang web giả mạo trông giống trang web chính thức của trường đại học. Ngoài ra, đối tượng còn giả danh là nhân viên của trường đại học và gửi email hoặc gọi điện yêu cầu sinh viên cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán học phí qua các phương thức không chính thức. Đối tượng cũng có thể sẽ thông qua các phương thức lừa đảo như email giả mạo hoặc tin nhắn giả mạo để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng.
Trước thực trạng lừa đảo trên đang diễn ra với các chiêu trò tinh vi, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân kiểm tra các thông tin từ trường đại học hoặc tổ chức tài chính qua các kênh chính thức và liên hệ trực tiếp với trường nếu có bất kỳ nghi ngờ nào.
Người dân tuyệt đối không nhấp vào liên kết trong các email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc và không cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không xác định; luôn thực hiện các khoản thanh toán học phí qua các kênh thanh toán chính thức do trường đại học hoặc tổ chức tài chính cung cấp. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Theo Cục An toàn thông tin, trong bối cảnh lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường với các hình thức được các đối tượng thay đổi thường xuyên, liên tục tạo ra các “biến tướng”, việc tuyên truyền để người dùng nhận diện và biết cách phòng tránh với từng hình thức lừa đảo là chưa đủ, quan trọng hơn là cần trang bị kỹ năng phòng tránh, cách ứng phó khi gặp tình huống lừa đảo.
Với quan điểm đó, chiến dịch tuyên truyền về phòng, chống lừa đảo trực tuyến năm 2024 do Cục An toàn thông tin chủ trì triển khai, đã đặt trọng tâm vào việc cung cấp các kỹ năng cho người dân.
Trong tháng 9 và 10, Cục An toàn thông tin sẽ phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị và các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp truyền thông về phòng chống lừa đảo trực tuyến đến từng nhóm đối tượng như công nhân, người lao động; trẻ em, học sinh, sinh viên, phụ huynh và người chăm sóc trẻ; người cao tuổi, người yếu thế…
Không chỉ tận dụng ưu thế của mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng, chiến dịch tuyên truyền “Kỹ năng nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024” còn có kế hoạch huy động cả hệ thống thông tin cơ sở cùng lực lượng hơn 457.800 thành viên của trên 93.000 Tổ công nghệ số cộng đồng trên khắp cả nước tham gia phổ biến các nội dung, hình thức lừa đảo trực tuyến và cách phòng tránh cho người dân ở các khu dân cư, nhất là người yếu thế.
Nguồn: Báo lao động thủ đô