Bắc Kạn: Điểm sáng trong công tác trồng rừng

Bắc Kạn: Điểm sáng trong công tác trồng rừng

Tỉnh Bắc Kạn đã và đang làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó nhiệm vụ trồng rừng luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, qua đó góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng và phòng, chống thiên tai.

Ông Hà Nhân Tuyển ở thôn Roỏng Tùm, xã Thanh Mai (Chợ Mới) chăm sóc rừng keo năm thứ 2.jpg
Ông Hà Nhân Tuyển ở thôn Roỏng Tùm, xã Thanh Mai (Chợ Mới) chăm sóc rừng keo 2 năm tuổi.

Trồng rừng vượt kế hoạch

Phong trào trồng rừng ngày càng được người dân hưởng ứng tích cực, hình thức đầu tư, phát triển rừng chuyển dần từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội, góp phần vào giải quyết sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy ngành nghề sản xuất, chế biến lâm sản, đặc biệt là thực hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Kết quả cho thấy, chỉ tiêu trồng rừng qua các năm đều đạt và vượt kế hoạch giao, năm 2021, diện tích trồng lại rừng sau khai thác, trồng cây phân tán và các chương trình dự án khác được 5.134ha, đạt hơn 143% kế hoạch giao; năm 2022 thực hiện được 4.813ha, đạt 120% kế hoạch; năm 2023 là 5.186ha, đạt 128% kế hoạch; năm 2024 được 4.650, đạt 133% kế hoạch… nâng tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh đến nay lên hơn 102.000ha.

Người dân Bắc Kạn đã và đang được hưởng thành quả từ phát triển rừng không chỉ là môi trường sống trong lành mà đời sống từ phát triển kinh tế rừng cũng được nâng lên, nhiều hộ trồng rừng đã xây dựng được nhà cửa khang trang, vững chắc. Ông Hà Nhân Tuyển ở thôn Roỏng Tùm, xã Thanh Mai (Chợ Mới) là hộ một điển hình về phát triển kinh tế rừng ở địa phương. Từ khi Nhà nước giao đất, giao rừng, ông mạnh dạn nhận quản đất đồi, khai phá trồng cây lâm nghiệp, nhờ vậy đến nay ông đã có 05ha cây keo, năm 2023, ông khai thác hơn 03ha đồi keo 07 năm tuổi thu về hơn 300 triệu đồng. Từ tiền bán gỗ rừng trồng, ông có tiền xây nhà cửa, mua sắm các đồ dùng trong gia đình.

TKiểm lâm địa bàn kiểm tra rừng keo mới tại xã Kim Lư, huyện Na Rì..jpg
Kiểm lâm địa bàn kiểm tra rừng keo mới trồng tại xã Kim Lư, huyện Na Rì.

Phát triển vùng nguyên liệu tập trung

Căn cứ vào điều kiện địa hình, khí hậu và thực tế sản xuất của người dân hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 773/KH-UBND ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh về phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre, nứa giai đoạn 2021- 2025. Theo đó tỉnh phân vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ theo định hướng phát triển loài cây chính là keo, cây mỡ, thông, các loài cây phụ trợ gồm: Lát, trám, xoan, quế, hồi, sao… Định hướng vùng trồng cây keo thực hiện tại các huyện, gồm Chợ Mới, Bạch Thông, phía Nam và phía Đông huyện Ba Bể, phía Nam huyện Ngân Sơn, phía Nam huyện Chợ Đồn, tổng diện tích thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là 11.000ha. Cây mỡ tập trung tại các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, một số xã của huyện Bạch Thông, Pác Nặm, Na Rì, giai đoạn 2021-2025 diện tích 5.600ha. Cây thông 400ha tại huyện Ngân Sơn. Cây hồi, cây quế phát triển tại 03 xã vùng cao của huyện Chợ Mới, một số xã phía Bắc huyện Bạch Thông, huyện Na Rì, một số xã phía Nam huyện Chợ Đồn, diện tích giai đoạn 2021-2025 là 550ha.

Đối với vùng nguyên liệu tre, nứa duy trì diện tích theo hiện trạng hiện có, hằng năm căn cứ vào diện tích, tuổi cây tiến hành chặt khai thác tỉa thưa theo hướng dẫn kỹ thuật hiện hành. Kết quả từ 2021 đến nay, diện tích các loài keo, mỡ, quế, hồi đạt 11.869ha, trong đó cây keo đạt 3.810ha; cây mỡ đạt 5.172ha; cây quế, hồi đạt 2.886ha.

Diện tích thực hiện rừng trồng rừng trong những năm gần đây đều vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao, chất lượng rừng trồng các năm đến nay sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người dân trồng rừng như: Tiểu Dự án 1, Dự án 3 (Chương trình MTQG); tỉa thưa rừng trồng để chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ FSC. Khuyến khích liên kết chặt chẽ giữa việc trồng rừng với chế biến lâm sản và thị trường. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, canh tác cây trồng, bảo vệ tốt rừng tự nhiên, qua đó tạo vùng nguyên liệu có quy mô lớn, tập trung phục vụ lâu dài cho hoạt động chế biến, xuất khẩu, ổn định sinh kế đời sống Nhân dân./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích