Phát huy tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh: Xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp
Cái nôi của truyền thống cách mạng
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931) là phong trào cách mạng đầu tiên của quần chúng công – nông, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào này đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như một khúc tráng ca bất diệt, được ví như là cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và quần chúng nhân dân chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Đó là minh chứng rõ nét về truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam; là khát vọng về quyền sống, quyền độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là cực tăng trưởng, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. |
Phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc đấu tranh của công – nông Vinh – Bến Thủy vào ngày 1/5/1930. Nhân dân các huyện Nghi Xuân, Hương Khê, Thanh Chương, Đô Lương hưởng ứng, tổ chức treo cờ, mít tinh, diễu hành, đấu tranh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930.
Từ đấu tranh chính trị, quần chúng đã biểu tình với những vũ khí thô sơ. Mở đầu thời kỳ đấu tranh vũ trang là cuộc biểu tình của khoảng 3.000 nông dân huyện Nam Đàn ngày 30/8/1930. Ngày 1/9/1930, tại Thanh Chương đã nổ ra cuộc biểu tình của hơn 2 vạn nông dân. Trong hai ngày 7 và 8/9/1930, hàng nghìn nông dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên đã phối hợp biểu tình, kéo về tỉnh lỵ Hà Tĩnh… vùng lên đấu tranh mạnh mẽ.
Đặc biệt là cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12/9/1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh – Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai. Thực dân Pháp cho máy bay tới ném bom, làm 217 người chết, 125 người bị thương, càng làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân vùng lên như bão táp.
Trước cao trào cách mạng của quần chúng, chính quyền cai trị bị rối loạn, ở nhiều xã bị tan rã. Các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết.Ngay từ khi ra đời, chính quyền Xô viết đã thực hiện các quyền lợi cho người dân lao động.
Xô viết Nghệ Tĩnh là bước thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình phát triển về sau của cách mạng, phong trào tuy thất bại nhưng đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động. Phong trào đã ảnh hưởng một cách trực tiếp và toàn diện đến những giai đoạn sau của cách mạng Việt Nam nói chung và tinh thần cách mạng trên quê hương Nghệ An nói riêng.
94 năm đã trôi qua nhưng phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn còn mang đậm ý nghĩa lịch sử. Tinh thần chiến đấu quật cường của nhân dân Nghệ Tĩnh đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, khí phách của con người xứ Nghệ.
Phát huy tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực Bắc Trung Bộ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã vận dụng tốt mọi nguồn lực, phát huy những giá trị cao đẹp, bản sắc văn hoá xứ Nghệ, sức mạnh đại đoàn kết to lớn của toàn dân.
Chung sức xây dựng quê hương
Nghệ An là tỉnh hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và cả nước.
Xác định vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế của Nghệ An, từ năm 2003, Bộ Chính trị đã ban hành các Kết luận số 20-KL/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW và gần đây nhất là Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều này khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đối với tỉnh Nghệ An.
Đáp lại niềm tin, kỳ vọng đó, những năm qua, Nghệ An đã nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng nhanh, quy mô kinh tế hiện đứng thứ 10 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; môi trường đầu tư, kinh doanh được nâng lên; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được đầu tư, nâng cấp; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân dần được nâng lên…
Nghệ An đang hướng tới trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về tài chính, công nghiệp công nghệ cao, thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao. Thành phố Vinh, Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đang từng bước đóng vai trò là cực tăng trưởng, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Tỉnh Nghệ An đã đặt ra mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2030. Trong đó, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10,5-11,0%/năm. Trong cơ cấu GRDP tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 42-42,5%; dịch vụ chiếm 39-39,5%; nông, lâm, thuỷ sản chiếm 13,5-14% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,5-5%. GRDP bình quân đầu người năm 2030 khoảng 7.500 – 8.000 USD.
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 24% GRDP. Năng suất lao động tăng bình quân 10-11%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân khoảng 12%/năm. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021-2030 khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng. Tỉnh thực hiện 3 đột phá chiến lược theo quy hoạch; hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế; phát triển 5 ngành, lĩnh vực trụ cột; tập trung đầu tư 6 trung tâm đô thị
Đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Nhìn lại những năm vừa qua, dù bối cảnh hết sức khó khăn song tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều điểm sáng trên các lĩnh vực. Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị là động lực, nguồn lực, cơ hội để Nghệ An tập trung vào những giải pháp chỉ đạo, lãnh đạo đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định và tháo gỡ các nút thắt trong phát triển kinh tế, trong cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Thực hiện Nghị quyết này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An đang từng bước đổi mới tư duy, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn. Trong đó quan tâm phát huy truyền thống, văn hoá mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển”.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; hỗ trợ, đồng hành, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nâng cao đạo đức công vụ, lấy lợi ích, hạnh phúc và sự hài lòng của người dân là thước đo của sự phát triển; quyết tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An phấn đấu phát triển tỉnh xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Bước thật mạnh, tiến thật xa, Nghệ An như thế mới là Nghệ An”.
Tự hào là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tự hào và phát huy tinh thần quê hương Xô Viết – Nghệ Tĩnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An phấn đấu phát triển tỉnh xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với mong muốn của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Bước thật mạnh, tiến thật xa, Nghệ An như thế mới là Nghệ An”. |
Mai Liễu
Nguồn: Báo lao động thủ đô