Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đe doạ nghiêm trọng hệ sinh thái biển Việt Nam
Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đe doạ nghiêm trọng hệ sinh thái biển Việt Nam
Với bờ biển dài, hệ sinh thái biển đa dạng mỗi năm đang đóng góp 1/5 tổng GDP quốc gia cho Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại các hệ sinh thái này đang bị suy thoái nghiêm trọng.
Theo một nghiên cứu mới do PGS. TS Phạm Quý Giang từ Khoa Môi trường, Đại học Hạ Long thực hiện, các hệ sinh thái biển Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn do biến đổi khí hậu và sự phát triển kinh tế xã hội, dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Với 3.260 km bờ biển và hệ sinh thái biển đa dạng gồm hơn 20 loại khác nhau như rừng ngập mặn, rạn san hô, đầm phá, và bãi cỏ biển, Việt Nam đã tận dụng lợi thế này để phát triển kinh tế biển, đóng góp 1/5 tổng GDP quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại các hệ sinh thái này đang bị suy thoái nghiêm trọng.
Nghiên cứu này được công bố trong bài báo “What next for marine ecosystem management in Vietnam: assessment of coastal economy, climate change, and policy implication” trên tạp chí Environmental Research Communications, đã cung cấp một bức tranh toàn diện về tình trạng và những nguy cơ mà hệ sinh thái biển Việt Nam đang phải đối diện.
Nguyên nhân gây suy thoái hệ sinh thái biển
Ô nhiễm môi trường từ hoạt động kinh tế xã hội: Chất thải sinh hoạt và sản xuất từ các cộng đồng ven biển, cùng với các hoạt động phát triển kinh tế, đã thải ra biển từ 122 đến 163 triệu m³ nước thải mỗi ngày, trong đó chỉ 20% được xử lý. Khoảng 2.000 loại hóa chất, bao gồm 10-15% dầu bị rò rỉ, cũng đổ ra biển, làm gia tăng ô nhiễm. Ngoài ra, bùn từ nuôi trồng thủy sản chứa khí độc như hydro sulfide, ammonia, và methane càng làm tình hình trở nên nghiêm trọng.
Biến đổi khí hậu: Các sự kiện thời tiết cực đoan như bão, thay đổi lượng mưa và khó dự đoán đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái biển.
Tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển
Hệ quả của các tác động do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường là sự suy thoái nghiêm trọng của các hệ sinh thái. Nghiên cứu của PGS. TS Phạm Quý đã đưa ra những con số dẫn chứng cụ thể:
– Từ 40% đến 60% diện tích bãi cỏ biển từ Quảng Ninh đến Hà Tiên đã biến mất.
– 70% diện tích rừng ngập mặn đã bị phá hủy.
– Từ những năm 2000, 48% rạn san hô đã bị hủy hoại, chủ yếu ở vịnh Hạ Long, khu vực miền Trung và một số đảo.
– Khoảng 100 loài sinh vật biển đang bị khai thác quá mức, và diện tích cỏ biển đã suy giảm chỉ còn khoảng 5.580 ha.
Từ những nghuyên nhân và hệ quả nêu trên, PGS. TS Phạm Quý Giang nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện các chính sách quản lý hiệu quả nhằm bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển. Điều này không chỉ giúp đảo ngược các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu mà còn giúp giảm áp lực từ quá trình phát triển kinh tế xã hội, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững cho các hệ sinh thái biển Việt Nam.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị