Cần nâng cao chất lượng y tế ở đô thị
(Xây dựng) – Bắt đầu chuyển mùa, thời tiết tại các đô thị thất thường. Những mối đe dọa đối với sức khỏe của người dân đô thị lại hiện hữu, đặc biệt là nguy cơ từ dịch bệnh Covid-19 còn chưa dứt.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng biểu dương những nỗ lực của cán bộ nhân viên y tế các cấp. Tuy nhiên, qua hơn 600 ngày đêm với 4 đợt dịch, có thể thấy, bên cạnh những cố gắng vượt bậc của ngành Y tế, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, các dịch vụ y tế tại Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ. Và với mỗi người dân, nhận thức về chăm sóc sức khỏe cũng cần phải được nâng cao. Đặc biệt, khả năng ứng phó với các nguy cơ dịch bệnh ở các đô thị lớn.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương chỉ ra rằng: Đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng ghê gớm cho mọi hoạt động của xã hội Việt Nam. Những tổn thất vô cùng to lớn mà việc khắc phục không phải một sớm một chiều. Qua dịch Covid-19, chúng ta đã thấy được những giá trị cốt lõi của con người, đó chính là sự đùm bọc, che chở nhau trong hoạn nạn và cả những tấm gương hy sinh vì dân, khiến không ai trong chúng ta không trân trọng và cảm phục.
Theo Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, sau những ngày vừa qua, bài học lớn nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Trước đây chúng ta chú trọng phát triển các kỹ thuật cao ở bệnh viện Trung ương, tuyến tỉnh. Tuy nhiên trong đại dịch mới thấy hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến huyện còn kém, cụ thể là nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men. Trong thời gian tới, các địa phương cần nâng cao chất lượng nhân viên y tế, đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm học tập. Các nhân viên y tế tuyến huyện không đủ điều kiện sinh sống và làm việc sẽ rất khó tập trung vào nâng cao tay nghề.
Thực tế này không phải sau những tổn thất vừa qua chúng ta mới nhìn thấy. Trước đó, UNDP đã có đánh giá qua chỉ số PAPI độc lập với chỉ số hài lòng của bệnh nhân sau khi khám chữa bệnh chỉ đạt được 76% và Tổ chức sáng kiến Việt Nam thì tỷ lệ hài lòng với bệnh nhân nội trú là 80%. Con số này mới nghe có thể tạm yên lòng. Nhưng thực tế từ diễn biến dịch bệnh vừa qua có thể thấy, mối lo nhiều hơn. Bởi lẽ, dù tạm thời lắng xuống và được kiểm soát, nhưng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã chỉ ra rằng, cuộc sống của người dân đô thị TP.HCM nói riêng và của người dân đô thị khác nói chung, đang phải đối mặt với không ít các nguy cơ ở mọi mặt của đời sống.
Lấy ví dụ là hệ thống giao thông công cộng, một phương tiện thiết yếu với sự vận hành của đô thị lớn: nguy cơ sức khỏe bị tấn công ngay trên các phương tiện tham gia giao thông (xe buýt, taxi, tàu điện…) rất lớn bởi những tác nhân gây bệnh lan tỏa vào mạng lưới giao thông. Rồi những đợt mưa – nắng với chu kỳ dài và biểu hiện dị thường cũng đang đe dọa môi trường sống của người dân, đặc biệt là người dân các đô thị.
Không chỉ vậy, quá trình nóng lên của trái đất hay mất tầng ô zôn dường như cũng góp thêm tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Hiện tượng này tạo điều kiện thuận lợi cho các loài côn trùng mang mầm bệnh và sự phát tán của bệnh tật làm tăng nguy cơ dị ứng (như dị ứng đường hô hấp ở các vùng đô thị) cũng làm lan truyền một số bệnh vốn chỉ xuất hiện tại một số khu vực có điều kiện khí hậu nhất định. Sự lan truyền của một số loại bệnh có tính lây nhiễm cao đang trở thành mối lo ngại với các nhà chức trách đô thị lớn. Mà việc dịch bệnh sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát hiện nay là một minh chứng.
Một nguy cơ khác đối với sức khỏe con người xuất hiện thường xuyên ở các đô thị là hiện tượng nhiệt độ tăng (giảm) đột biến. Thống kế của các tổ chức y tế trên thế giới cho thấy, nạn nhân chủ yếu là những người lớn tuổi với hơn 70% trường hợp có độ tuổi 75 – 95 tuổi.
Như vậy, các đô thị lớn phải đương đầu với nguy cơ về sức khỏe của con người càng đa dạng so với việc thay đổi khí hậu toàn cầu. Trên thế giới, ngoài cơ chế và giám sát bệnh dịch, thuộc thẩm quyền của Nhà nước, chính quyền nhiều thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đối với nhóm dân cư dễ bị tác động bởi các nguy cơ.
Tại Việt Nam, cũng đã có những qui định để ứng phó với các mối nguy do sự thay đổi của thời tiết (nóng quá hay lạnh quá người dân sẽ được nghỉ). Tuy nhiên, điều này mới chỉ là các giải pháp tình thế, những ứng phó cụ thể với các phương tiện hiện đại hỗ trợ cho con người còn rất thiếu vắng. Đã đến lúc, cần đưa những nguy cơ trên vào các kế hoạch khẩn cấp.
Nguồn: Báo xây dựng