Phát triển bền vững vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La – Bài 2: Huyền thoại hồ thủy điện Sơn La
(TN&MT) – Ai đó đã từng ví lòng hồ Thủy điện Sơn La như một Hạ Long thu nhỏ. Ví von ấy có lẽ hơi ưu ái, nhưng cũng không phải vô cớ mà du khách thốt lên lời ví von như vậy. Ở một quy mô nhỏ và giản đơn hơn, ít gắn với những địa danh lịch sử như Hạ Long, tuy nhiên, hồ thủy điện Sơn La lại mang trong nó cả một nền văn hóa tâm linh và các giá trị văn hóa dân tộc, thu hút du khách ưa khám phá tìm đến.
Một vùng huyền thoại
Nằm trên lưu vực Sông Đà, con sông hung dữ đã từng đi vào các phẩm văn học nổi tiếng với dòng chảy cuồn cuộn của con ngựa bất kham trong các truyền thuyết, sử thi hùng tráng khi gặp lòng hồ Thủy điện Sơn La thì khựng lại, ngoan ngoãn cuộn tròn bình yên trong lòng hồ.
Một góc sông Đà ở Quỳnh Nhai huyền ảo, mộng mơ. Ảnh: Chính Tới |
Tuy nhiên, quá trình kiến tạo nên hồ thủy điện Sơn La không chỉ là thay đổi diện mạo một vùng đất tự nhiên mà còn là sự vực lại và bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, tâm linh, dân tộc liên quan đến vùng đất ấy. (Đó là chưa kể đến những yếu tố đổi thay về cư dân, đời sống, tập quán… khi di dời dân để kiến tạo hồ, bởi khi thủy điện Sơn La chặn dòng tích nước để phát điện, cả một vùng rộng lớn dọc thượng nguồn con sông Đà huyền thoại, từ Pá Vinh (Sơn La) lên tận Mường Lay (Điện Biên) sẽ ngập sâu dưới hàng trăm mét nước).
Trong quá trình thực hiện khảo cổ trên vùng đất sản sinh và dung dưỡng các giá trị văn hoá và di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ học… các nhà khảo cổ học đã phát hiện trong vùng ngập của có nhiều địa điểm di tích đồ đá cũ, đá mới và thời đại kim khí, đánh dấu những mốc lớn trong tiến trình phát triển lịch sử của các tộc người bản địa.
Thực địa khảo sát còn cho thấy, nơi đây chất chứa nhiều sinh hoạt văn hoá phi vật thể phong phú (Lễ cầu mùa của dân tộc Dao; Lễ hội của người Thái Trắng ở huyện Mường Lay và thị xã Lai Châu; Các sưu tập chữ viết cổ; Các truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích dân gian; Lễ dâng hoa măng dân tộc La Ha; Các điệu múa dân tộc)… của 29 dân tộc liên quan cần được bảo tồn.
Bến thuyền Pá Uôn. Ảnh: Chính Tới |
Bên cạnh việc di dân, tái định cư và bảo tồn các di chỉ khảo cổ, các giá trị văn hóa, còn phải lo “tái định cư” cho những ngôi mộ của đồng bào dân tộc Thái vùng Sơn La.
Hơn 2 vạn hộ dân với trên 96 nghìn nhân khẩu của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã rời nơi chôn rau cắt rốn để nhường lại diện tích cho việc kiến tạo lòng hồ. Về cơ bản, đại đa số những người dân đến nay đã an cư, gắn bó với nơi ở mới trong một cảm nhận chung về sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan liên quan, nhất là đơn vị chủ đầu tư – Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã rất cố gắng trong việc bố trí nơi ăn chốn ở mới cho người dân có thể an cư.
Hiện thực hóa giấc mơ hiện đại hóa
Hồ Thủy điện Sơn La có cao trình tích nước là 215 m với chiều dài hơn 120 km, điểm đầu từ đập thủy điện tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La (tỉnh Sơn La) và điểm cuối là thị xã Mường Lay (tỉnh Lai Châu), diện tích hồ chứa gần 225 km2, dung tích 9,26 tỷ m3.
Ngoài việc tích nước hồ phục vụ phát điện cho nhà máy, hồ thủy điện Sơn La còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một vùng sinh thái, cảnh quan mới gắn với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng thượng nguồn sông Đà, đồng thời mở ra một tiềm năng mới phát triển kinh tế – xã hội, du lịch ở vùng “biển hồ” Tây Bắc.
Có một bức tranh thủy mặc đẹp mê hồn ở Mường La. Ảnh: Chính Tới |
Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La là khu vực tập trung số lượng lớn nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nét văn hóa độc đáo. Tài nguyên du lịch phong phú đa dạng của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La sẽ là tiền đề thuận lợi để phát triển du lịch tham quan, ngắm cảnh, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch nghiên cứu khảo sát khoa học, tìm hiểu về hệ sinh thái và lịch sử, văn hóa của các dân tộc bản địa và cả du lịch truyền thống với việc thưởng ngoạn, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống, ẩm thực của người dân tộc thiểu số vùng thượng nguồn sông Đà.
Để biến tiềm năng thành hiện thực, ngày 7/4/2021 giữa lãnh đạo tỉnh Sơn La với Công ty CP Quỹ đầu tư thế giới về dự án đầu tư phát triển khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La đã lập dự án gồm toàn bộ mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai rộng 10.520 ha và diện tích mặt đất bao quanh lòng hồ, bao gồm cả các đảo, bán đảo nằm trên lòng hồ từ xã Pá Ma Pha Khinh đến xã Mường Chiên. Trong đó, phạm vi đề xuất đầu tư là diện tích mặt nước khoảng 3.000 ha và diện tích mặt đất khoảng 500 ha.
Cầu Pá Uôn – được xây dựng trên địa bàn xã Chiềng Ơn. Đây là 1 trong những địa điểm nổi tiếng khi đến trải nghiệm du lịch lòng hồ Thủy điện Sơn La. Ảnh: Chính Tới |
Theo đó, Sơn La tập trung đầu tư đưa huyện Quỳnh Nhai – một huyện miền núi phía Bắc của tỉnh này trở thành điểm sáng thu hút khách du lịch khi sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch tự nhiên (cầu Pá Uôn có trụ cao nhất Việt Nam với tổng chiều dài 1.418 m; hệ thống hang động hoang sơ với cấu tạo địa chất khác biệt chưa từng được công bố hay khai thác…), khoáng sản phục vụ du lịch (các mạch nước nóng có lượng nước dồi dào có thể khai thác thành suối khoáng nóng), du lịch tâm linh (đền thờ Linh Sơn – Thủy Từ và Nàng Han), du lịch văn hóa xã hội gồm các bản người Thái trắng ven sông Đà, lễ hội Gội đầu, Đua thuyền, lễ hội Nàng Han của dân tộc Thái và khôi phục một số lễ hội khác của dân tộc thiểu số vùng thượng nguồn sông Đà.
Dù cho du lịch hứa hẹn sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường to lớn, nhưng trước mắt, cuộc sống của người dân sống quanh vùng lòng hồ vẫn hết sức khó khăn. Nếu được đầu tư thích đáng xây dựng và phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, quy hoạch khai thác tài nguyên du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và vùng phụ cận một cách thống nhất và khoa học, ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, đào tạo nhân lực và thu hút nhân tài trong ngành du lịch cho vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thì tài nguyên đó sẽ mang lại những sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường du lịch trong nước và quốc tế, từ đó xây dựng và định vị thương hiệu du lịch vùng lòng hồ, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế – xã hội và môi trường khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La phát triển toàn diện.
Đập thủy điện Sơn La sáng rực rỡ trong đêm (nhìn từ phía hạ lưu). Ảnh: Chính Tới |
Từ đây, ánh đèn điện đã thắp sáng lên khắp phố phường, nhà máy, trường học, gia đình và khắp núi đồi Tây Bắc. Sơn La đã đổi thay. Diện mạo đất nước đã đổi thay. Những đường dây 500 KV như mạch máu cuồn cuộn tỏa lan trên một phần thân thể đất nước, mang ánh sáng của hiện đại và niềm tin, tạo sức bật cho những bước chuyển mình mới mẻ.