Việt Nam đẩy mạnh phát triển công trình xanh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế
Phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu. (Ảnh minh họa)
Xu hướng phát triển công trình xanh trên thế giới và tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, công trình xanh được phát triển từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, xu hướng đầu tư xây dựng, quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005-2010.
Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được đánh giá theo Tiêu chuẩn LEED (đánh giá, chứng nhận công trình xanh của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ). Với chính sách khuyến khích, tự nguyện áp dụng, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam đạt kết quả này cũng là đáng khích lệ.
Việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện và khuyến khích áp dụng. Đến tháng 4/2024, cả nước đã có trên 400 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng đạt khoảng 10 triệu m², vượt xa chỉ tiêu mà Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.
Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ đã đặt nền móng cho việc phát triển công trình xanh tại các đô thị Việt Nam. Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị cũng đưa ra các chỉ tiêu về số lượng công trình xanh trong quá trình đánh giá và phân loại đô thị, khuyến khích việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như LOTUS, LEED, Green Mark,…
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là thiếu hụt nguồn lực chuyên môn và kỹ thuật để cập nhật, rà soát và chỉnh sửa các tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với thực tế.
Để khắc phục điều này, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách, bao gồm việc lồng ghép các nội dung liên quan đến sử dụng năng lượng và tài nguyên tiết kiệm trong các quy chuẩn, luật định mới, đồng thời sửa đổi quy chuẩn hiện hành để thúc đẩy phát triển công trình xanh.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đang tập trung rà soát, bổ sung và sửa đổi các quy chuẩn như QCVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng, QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời, Bộ cũng nghiên cứu xây dựng các quy chuẩn mới liên quan đến kết cấu dạng nhà, nhà công nghiệp, nhằm quy định yêu cầu kỹ thuật đối với chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, kết cấu, hạ tầng kỹ thuật, sử dụng vật liệu xây dựng và trang thiết bị trong công trình. Những quy chuẩn này không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước mà còn thúc đẩy việc tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng nguyên vật liệu và tài nguyên trong công trình.
Hướng đi bền vững cho các khu công nghiệp và công trình xanh tại Việt Nam
Việc chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái đang trở thành yêu cầu bắt buộc nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững. Tính đến tháng 7/2024, Việt Nam đã có 431 khu công nghiệp và khu chế xuất, nhưng nhiều trong số đó vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về môi trường như ô nhiễm nguồn nước và không khí, chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vương Thị Minh Hiếu nhấn mạnh, phát triển bền vững không chỉ là khẩu hiệu mà còn là giá trị cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 40-50% địa phương chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái, 8-10% địa phương xây dựng mới các khu công nghiệp theo mô hình sinh thái từ giai đoạn lập quy hoạch. Điều này sẽ giúp Việt Nam tạo ra hệ thống khu công nghiệp không chỉ mạnh về kinh tế mà còn bền vững về môi trường.
Phát triển công trình xanh và khu công nghiệp sinh thái không chỉ là xu hướng tạm thời mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để đáp ứng các cam kết quốc tế về giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ, bao gồm cơ chế ưu đãi về tài chính và tín dụng xanh, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công trình xanh.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu xây dựng lộ trình yêu cầu bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn đánh giá, chứng nhận công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và phát thải thấp. Lộ trình này sẽ dần mở rộng cho nhiều loại hình công trình khác nhau, giúp đảm bảo sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường của các dự án xây dựng trong tương lai.
Theo ông Trần Thành Vũ – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Edeec, việc xây dựng công trình xanh không làm gia tăng chi phí nếu các chủ đầu tư được tư vấn đúng cách về vật liệu xây dựng và công nghệ. Đây là chìa khóa giúp Việt Nam tiến tới một tương lai bền vững, nơi mà sự phát triển kinh tế song hành cùng bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Duy Trinh