Lương thưởng thỏa đáng mới thúc đẩy gia tăng năng suất lao động

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, năng suất lao động là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Nâng cao năng suất lao động là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Có nhiều động lực thúc đẩy gia tăng năng suất lao động, theo TS. Phạm Thu Lan, Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là một trong những động lực quan trọng trong thúc đẩy nâng cao năng suất lao động.

Chế độ phúc lợi thỏa đáng giúp người lao động yên tâm làm việc. (Ảnh minh họa)

TS. Phạm Thu Lan cho biết, mọi người lao động đi làm đều quan tâm tới tiền lương, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Thực tế đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ và tỉ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng và toàn tâm trong công việc. Người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ nhảy việc cao, 8-12%/tháng ở các ngành đông lao động.

Trong quan hệ kinh tế, nhảy việc để tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực bản thân là việc bình thường, nhưng nhảy việc chỉ thuần túy để tìm kiếm mức lương cao hơn cho một công việc tương tự lại là sự lãng phí không đáng có. Một doanh nghiệp có 1.000 công nhân nhưng 1 tháng 100 công nhân liên tục ra vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp này sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng, tổ chức phỏng vấn, làm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ và đào tạo nhân viên… trong khi những chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất.

Năng suất của các yếu tố khác đều phụ thuộc vào yếu tố lao động. Người lao động không có kỹ năng thì mong muốn đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại cũng trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên, học tập cũng cần có động lực. Người lao động khi còn đang phải vướng bận kiếm bữa cơm hằng ngày cho gia đình thì học tập cho bản thân không phải là sự ưu tiên. Người lao động không thể dành thời gian, tâm trí và sức lực cho việc học tập, chưa nói tới người có tiền lương thấp sẽ không có nguồn lực để đầu tư học tập cho bản thân và con cái. Thiếu học tập nâng cao trình độ, Việt Nam sẽ không thể nâng cấp chuỗi giá trị, theo kịp xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế toàn cầu.

Chăm lo tốt hơn cho cuộc sống người lao động là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy gia tăng năng suất. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, muốn nâng cao năng suất lao động cần thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức bằng các giải pháp: Chăm lo tốt hơn cho cuộc sống người lao động bằng các chính sách nhà ở xã hội, hỗ trợ không phân biệt hộ khẩu cho con em công nhân lao động trong học tập, tiếp cận, dịch vụ y tế; Nâng cao vai trò của Công đoàn để thực sự là chỗ dựa của người lao động trong việc ổn định cuộc sống nơi di cư đến;

Xử lý hài hòa vấn đề quan hệ lao động, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động nhưng cũng đảm bảo lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư; Nâng cao nhận thức cho người lao động về sự cần thiết phải học nghề, học kỹ năng lao động để có đủ điều kiện dịch chuyển lao động. Hiện nay số người học nghề khi bị thất nghiệp rất thấp (ví dụ trong năm 2023 trong 85 nghìn người nhận trợ cấp thất nghiệp chỉ có 778 người có ý định học nghề và 487 người thực sự học nghề).

Mai Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích