Thừa Thiên Huế: Tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng cao giá trị thương hiệu
Dán tem TXNG trên từng sản phẩm đảm bảo tính minh bạch nguồn gốc xuất xứ và nâng cao giá trị sản xuất. Ảnh minh họa
Truy xuất nguồn gốc nâng cao giá trị và uy tín sản phẩm
Ngày 28/3/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN về Quản lý TXNG sản phẩm hàng hóa. Thông tư này, có hiệu lực từ ngày 1/6/2024, quy định chi tiết về quản lý nhà nước đối với hoạt động TXNG, bao gồm việc thiết lập hệ thống TXNG đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu và quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm cùng các vật mang dữ liệu.
Thông tư cũng quy định rõ về quản lý việc sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu, các tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, vật mang dữ liệu bảo đảm phù hợp với Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13274:2020 (Truy xuất nguồn gốc – Hướng dẫn định dạng các mã dùng trong truy vết) và TCVN 13275:2020 (Truy xuất nguồn gốc – Định dạng vật mang dữ liệu) do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Điều này tạo cơ sở pháp lý vững chắc giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý triển khai hiệu quả hoạt động TXNG, đảm bảo minh bạch và tăng cường niềm tin từ người tiêu dùng.
Tại Thừa Thiên Huế, việc áp dụng TXNG đã được triển khai rộng rãi, đặc biệt đối với các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực. Hiện toàn tỉnh có 76 sản phẩm OCOP, được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tin tưởng. Việc dán tem TXNG, tem QR code trên các sản phẩm giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất, và tiêu chuẩn chất lượng.
Tem TXNG có thiết kế đặc biệt, chỉ sử dụng được một lần trên một sản phẩm. Qua đó, tránh được tình trạng bóc gỡ tem trên sản phẩm chính hãng dán vào sản phẩm kém chất lượng. Các sản phẩm được lựa chọn áp dụng dán tem QR code là những sản phẩm được sản xuất, kinh doanh do các cơ sở được kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, được chứng nhận VietGAP, HACCP, sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn, mác hàng hóa và TXNG…
Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, mục tiêu của việc áp dụng TXNG là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và hợp tác xã về vai trò của TXNG trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu và định vị sản phẩm trên thị trường. Việc dán tem TXNG không chỉ giúp người tiêu dùng truy cập thông tin sản phẩm một cách nhanh chóng, thuận tiện mà còn ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Đảm bảo chất lượng và chống hàng giả
Công ty TNHH Sản xuất Yến sào xứ Huế Anna là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Thừa Thiên Huế áp dụng TXNG cho toàn bộ sản phẩm của mình. Ông Lê Văn Lộc – Giám đốc công ty, khẳng định: “TXNG là cơ sở pháp lý giúp sản phẩm của chúng tôi đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong thời kỳ hội nhập, bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.” Nhờ có TXNG, các sản phẩm của công ty đã khẳng định được chất lượng, tạo niềm tin từ khách hàng và đối tác.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã Công nghệ thông tin Huế cũng đạt được thành công lớn nhờ áp dụng TXNG. Bà Thái Thị Ngọc Hạnh, quản lý HTX, chia sẻ: “Nhờ có TXNG, doanh thu và tệp khách hàng của chúng tôi ngày càng mở rộng. Người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR code, tạo sự tin tưởng và an tâm khi sử dụng.”
Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và các sản phẩm OCOP. Bà Trần Thị Thùy Yên – Phó Giám đốc Sở, cho biết: “Chúng tôi chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ trong TXNG sản phẩm một cách đơn giản và hiệu quả hơn, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.”
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, nhấn mạnh: “TXNG không chỉ là công cụ bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp mà còn giúp chứng minh sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn và môi trường. Điều này không chỉ củng cố niềm tin từ đối tác kinh doanh mà còn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.”
Với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, TXNG đang trở thành chìa khóa giúp các sản phẩm của Thừa Thiên Huế vươn ra thị trường quốc tế. Không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, TXNG còn giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương.
Duy Trinh (t/h)